Bệnh hiếm muộn đang là vấn đề sức khỏe đáng quan tâm ở nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay. Ở Việt Nam, có đến 7,7% các cặp vợ chồng gặp những vấn đề sức khỏe dẫn đến vô sinh hiếm muộn. Cùng tìm hiểu về bệnh hiếm muộn qua bài viết dưới đây nhé!
1Hiếm muộn là gì?
Hiếm muộn hay vô sinh là hiện tượng không thể thụ tinh, mang thai và sinh con một cách tự nhiên dù quan hệ tình dục mà không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào trong từ 6 tháng đến 1 năm.
Hiếm muộn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau từ vợ, chồng hoặc cả hai.
Hiếm muộn thường được chia thành 2 loại gồm nguyên phát và thứ phát dựa vào đặc điểm như:
- Hiếm muộn nguyên phát: gặp ở cặp vợ chồng chưa từng sinh con và có hơn 1 năm chung sống, quan hệ tình dục đều đặn. Thường do bất thường trong cấu tạo cơ quan sinh dục của vợ hoặc chồng, rối loạn hormone,...
- Hiếm muộn thứ phát: gặp ở những trường hợp đã mang thai ít nhất 1 lần (bao gồm cả sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non) và cố gắng thụ thai trong vòng 1 năm nhưng chưa đạt được kết quả.
Hiếm muộn là tình trạng không thể sinh con dù quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai
2Thế nào được coi là hiếm muộn
Tùy theo từng độ tuổi của người phụ nữ mà việc xác định mắc hiếm muộn sẽ khác nhau:
- Dưới 35 tuổi: có thể được coi là hiếm muộn nếu sinh hoạt vợ chồng đều đặn, không sử dụng các biện pháp ngừa thai (bao cao su, thuốc tránh thai...) mà chưa thể mang thai một cách tự nhiên trong vòng 1 năm.
- Trên 35 tuổi: nếu sau 6 tháng quan hệ tình dục thường xuyên, cố gắng thụ tinh mà không đậu thai có thể được xem là hiếm muộn.
Hiếm muộn thường gặp ở cặp vợ chồng trẻ dưới 35 tuổi
3Nguyên nhân
Nguyên nhân ở nam giới
- Số lượng tinh trùng giảm: một số trường hợp như tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lạc chỗ có thể khiến giảm khả năng sản xuất tinh trùng, tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn ở nam.
- Tinh trùng có hình dạng bất thường: do sự phân chia và phát triển của giao tử đực tạo tinh trùng bị rối loạn gây ra tinh trùng mất đuôi, lệch cổ hoặc mất đầu,... làm giảm khả năng tồn tại và di chuyển của tinh trùng trong đường sinh dục nữ, gây hiếm muộn.
- Bệnh lây truyền qua đường tình dục: các bệnh lậu, giang mai, chlamydia,... có thể gây tổn thương tinh hoàn và làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới.
- Bệnh lý: một số trường hợp nam giới mắc hiếm muộn do hiện tượng xuất tinh sớm, sau mắc quai bị hoặc giãn thừng tinh vì chức năng tinh hoàn bị suy giảm.
- Tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại: thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, tiếp xúc với thuốc trừ sâu, tia bức xạ,... có thể gây rối loạn hormone sinh dục nam và làm tăng nguy cơ mắc hiếm muộn.
- Nguyên nhân khác: việc sử dụng các hóa chất hoặc tia xạ trong điều trị ung thư có thể khiến giảm về số lượng và tăng những bất thường về cấu trúc của tinh trùng có thể dẫn đến vô sinh.
Nam giới thường xuyên hút thuốc lá có thể mắc hiếm muộn
Nguyên nhân ở nữ giới
- Rối loạn hormone: có thể khiến quá trình rụng trứng và sự phát triển của nội mạc tử cung không ổn định khiến tăng nguy cơ hiếm muộn. Đa phần người bệnh rối loạn hormone có thể gặp hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh lý tuyến giáp hoặc tăng prolactin máu (hormone liên quan đến sự sản xuất sữa của phụ nữ).
- Bất thường tử cung: người bệnh có thể mắc những bất thường như không có tử cung, tử cung đôi, u xơ tử cung, polyp cổ tử cung hoặc tử cung nhi hóa,... khiến việc mang thai trở nên khó khăn hơn.
- Hẹp cổ tử cung: khiến cho việc di chuyển của tinh trùng vào buồng tử cung bị cản trở khiến khó thụ tinh.
- Tắc ống dẫn trứng: có thể do hẹp bẩm sinh hoặc sau khi viêm nhiễm, ứ dịch gây ra hiện tượng xơ sẹo ống dẫn trứng làm cản trở sự di chuyển của phôi vào tử cung dẫn đến thai ngoài tử cung.
- Lạc nội mạc tử cung: làm ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng, ống dẫn trứng và tử cung khiến việc thụ tinh khó xảy ra hơn bình thường.
- Suy buồng trứng: là hiện tượng buồng trứng ngừng hoạt động và mãn kinh trước 40 tuổi gây ra rối loạn hormone, giảm khả năng sinh sản.
- Điều trị ung thư: các phương pháp như hóa trị, xạ trị hoặc một số loại thuốc trị ung thư có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của hormone sinh dục nữ gây hiếm muộn.
U xơ tử cung là nguyên nhân gây hiếm muộn ở nữ
Các yếu tố gia tăng rủi ro mắc hiếm muộn
Ngoài các nguyên nhân gây hiếm muộn đã được phát hiện thì vẫn có một tỷ lệ lớn các trường hợp chưa thể tìm ra lý do chắc chắn của bệnh. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc hiếm muộn thường gặp như:
- Tuổi: chất lượng trứng và tinh trùng sẽ suy giảm nhanh chóng và gây ra hiếm muộn khi sau 37 tuổi ở nữ giới và 40 tuổi ở nam giới.
- Thuốc lá: thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc (kể cả gián tiếp) có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, dị tật thai nhi ở nữ giới. Ngoài ra, chất độc từ khói thuốc có thể gây rối loạn cương dương, giảm sản xuất tinh trùng ở nam giới.
- Rượu bia: có thể gây rối loạn hormone sinh dục nữ, giảm chất lượng trứng ở nữ hoặc gây ra bất thường hình dạng tinh trùng ở nam giới.
- Bất thường về cân nặng: thừa cân, béo phì hoặc gầy yếu do suy dinh dưỡng đều ảnh hưởng đến chất lượng trứng và tinh trùng dẫn đến hiếm muộn.
Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ gây ra hiếm muộn
4Cách chẩn đoán bệnh
Những cách chẩn đoán ở nữ
Bác sĩ cần tiến hành hỏi về các triệu chứng bất thường như rối loạn kinh nguyệt, đau bụng và tiền sử sử dụng thuốc của người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ cần chỉ định một số cận lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán như:
- Siêu âm tử cung phần phụ qua ngã âm đạo: nhằm phát hiện những bất thường hình dạng của tử cung và ống dẫn trứng, tình trạng buồng trứng và bệnh lý lạc nội mạc tử cung,...
- Xét nghiệm dịch tiết âm đạo: có thể phát hiện các bệnh lý viêm nhiễm sinh dục, bệnh lây truyền qua đường tình dục làm tăng nguy cơ mắc hiếm muộn.
- Xét nghiệm hormone sinh dục nữ: với các chỉ số như FSH, LH, estrogen, progesteron, prolactin và AMH nhằm đánh giá được chức năng của trục tuyến - buồng trứng cũng như khả năng dự trữ trứng của người phụ nữ. Xét nghiệm chức năng tuyến giáp FT3, FT4, TSH.
Siêu âm tử cung phần phụ qua ngã âm đạo giúp chẩn đoán nguyên nhân gây hiếm muộn ở nữ
Những cách chẩn đoán ở nam
Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi về thói quen sinh hoạt, các triệu chứng rối loạn cương dương và các bệnh lý đã mắc,... Ngoài ra, bác sĩ cần chỉ định một số cận lâm sàng khác để hỗ trợ chẩn đoán như:
- Xét nghiệm tinh dịch, miễn dịch: để phát hiện những bệnh lây truyền qua đường tình dục dẫn đến hiếm muộn.
- Tinh dịch đồ: là phương pháp soi tươi mẫu tinh dịch ở nam giới nhằm đánh giá số lượng và hình thái của tinh trùng.
- Xét nghiệm hormone sinh dục nam: nhằm xác định được khả năng hoạt động của hệ sinh dục nam như hormone testosterone,...
- Siêu âm tinh hoàn, siêu âm bụng.
Xét nghiệm tinh dịch đồ giúp chẩn đoán hiếm muộn ở nam giới
5Khám hiếm muộn ở đâu
Khám hiếm muộn ở Tp. HCM
Nếu ở gần khu vực thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể khám và điều trị hiếm muộn tại một số bệnh viện có uy tín và chuyên môn cao như:
- Bệnh viện Từ Dũ.
- Bệnh viện ĐH Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bệnh viện Hùng Vương
Địa chỉ khám hiếm muộn ở thành phố Hồ Chí Minh
Khám hiếm muộn ở Hà Nội
Với những cặp vợ chồng sinh sống ở gần Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, các bạn có thể đến thăm khám và điều trị hiếm muộn tại các cơ sở uy tín như:
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
- Khoa Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
- Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bạch Mai.
Địa chỉ khám hiếm muộn ở Hà Nội
Bảng giá khám hiếm muộn
Bạn có thể tham khảo bảng giá khám và điều trị hiếm muộn dưới đây, lưu ý rằng bảng giá có thể thay đổi theo thời gian:
Dịch vụ Đơn vị tính Số tiền (VNĐ) Khám hiếm muộn 1 lần 150.000 Tư vấn vô sinh 1 lần 100.000 Siêu âm phụ khoa (đường âm đạo) 1 lần 176.000 Chọc nang buồng trứng qua siêu âm ngã âm đạo 1 lần 1.000.000 Lọc rửa tinh trùng 1 lần 500.000 Bơm tinh trùng (IUI) 1 lần 1.000.000 Thụ tinh trong ống nghiệm trọn gói (IVF) 1 lần 20.000.000 Thụ tinh trong ống nghiệm IVM trọn gói 1 lần 26.000.000 Chuyển phôi tươi 1 lần 3.500.000 Chuyển phôi trữ + rã đông phôi 1 lần 5.500.000 Rã đông phôi/trứng 1 lần 3.800.000 Đông phôi/trứng ống thứ nhất 1 lần 4.500.000 Đông phôi/trứng ống tiếp theo 1 lần 1.200.000 Gia hạn phôi/trứng ống đầu tiên 1 năm 2.000.000 Gia hạn phôi/trứng ống tiếp theo 1 năm 500.000(Nguồn: bệnh viện Hùng Vương)
6Các cách điều trị bệnh hiếm muộn
Sử dụng thuốc
Với những trường hợp vô sinh do rối loạn hormone sinh dục hoặc rối loạn cương dương có thể được điều trị bằng thuốc như:
- Ở nữ: sử dụng các thuốc điều hòa hormone hoặc thuốc kích trứng để làm đều và tăng số lượng trứng rụng. Từ đó làm tăng khả năng mang thai tự nhiên hoặc để hỗ trợ quá trình hỗ trợ sinh sản sau này.
- Ở nam giới: có thể sử dụng các loại thuốc giúp điều hòa hormone testosterone hoặc thuốc chữa rối loạn cương dương, xuất tinh sớm... nhằm cải thiện chất lượng và số lượng tinh trùng phóng ra trong mỗi lần quan hệ giúp tăng tỷ lệ đậu thai.
Có thể điều trị hiếm muộn bằng thuốc
Phẫu thuật
Một số trường hợp vô sinh hiếm muộn cần được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật như:
- Ở nữ: phẫu thuật cắt khối u xơ tử cung, tạo hình ống dẫn trứng hoặc loại bỏ khối lạc nội mạc tử cung...
- Ở nam: thường thực hiện phẫu thuật để điều trị tinh hoàn lạc chỗ, giãn thừng tinh, thoát vị bẹn gây giảm chất lượng tinh trùng.
Một số trường hợp hiếm muộn cần điều trị bằng phẫu thuật
7Các phương pháp hỗ trợ sinh sản
Thụ tinh trong tử cung (IUI)
Trong phương pháp thụ tinh trong tử cung hay bơm tinh trùng, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và sàng lọc những tinh trùng khỏe mạnh, không có bất thường về hình dáng.
Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng một ống dài và mỏng để bơm mẫu tinh trùng này trực tiếp vào buồng tử cung để gia tăng tỷ lệ thụ thai.
Thụ tinh trong tử cung giúp tăng khả năng thụ thai
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
Để thực hiện được kỹ thuật này, bác sĩ cần sử dụng thuốc kích trứng để thu được những tế bào trứng chín, đạt chất lượng từ người phụ nữ, đồng thời thu thập mẫu tinh trùng của nam giới.
Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành tạo thụ tinh cho 1 trứng với 1 tinh trùng trong phòng thí nghiệm và nuôi hợp tử thành phôi ngày thứ 3 và thứ 5.
Nếu chất lượng phôi ổn định và tình trạng sức khỏe người mẹ cho phép, bác sĩ sẽ chuyển phôi vào buồng tử cung và theo dõi quá trình phát triển của thai nhi.
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến
Tiêm tinh trùng vào bào tương của noãn (ICSI)
Đây là một thao tác kỹ thuật trong phương pháp thụ tinh nhân tạo. Bác sĩ sẽ chọn lọc những tế bào trứng và tinh trùng chất lượng nhất.
Sau đó sử dụng dụng cụ đặc biệt để hỗ trợ đưa tinh trùng vào bào tương của trứng.
Phương pháp này giúp cho quá trình thụ tinh và tạo hợp tử diễn ra thuận lợi với tỷ lệ thành công cao hơn.
Bơm trực tiếp tinh trùng vào bào tương của noãn để tạo hợp tử
Mang thai hộ
Thường được áp dụng đối với trường hợp người phụ nữ có những bất thường bẩm sinh của tử cung như không có tử cung, tử cung đôi hoặc tử cung hình tim,... khiến quá trình tự mang thai không thể xảy ra hoặc gây ra nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Mang thai hộ giúp hỗ trợ sinh sản với những trường hợp hiếm muộn do bất thường tử cung
8Các cách ngăn ngừa hiếm muộn
Bạn có thể thực hiện thực hiện một số biện pháp đơn giản hoặc thay đổi thói quen sống hàng ngày nhằm ngăn ngừa bệnh hiếm muộn như:
- Thực hiện quan hệ tình dục an toàn, chung thủy để tránh mắc những bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Hạn chế nạo phá thai.
- Tránh tiếp xúc với các chất độc hại, rượu bia, thuốc lá hoặc thuốc lá điện tử.
- Ăn uống đầy đủ, đa dạng các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như protein, carbohydrate, chất béo cũng như các loại vitamin và khoáng chất.
- Tích cực rèn luyện thể dục hàng ngày, duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
- Ngủ đủ giấc từ 7 - 8 tiếng/ngày và hạn chế stress trong công việc và cuộc sống.
- Điều trị và kiểm soát tốt các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tuyến giáp hoặc ung thư.
- Thực hiện khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân để phát hiện những bất thường sớm và điều trị kịp thời.
Các cặp vợ chồng nên khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn nhiều kiến thức bổ ích về bệnh hiếm muộn đang ngày càng phổ biến hiện nay. Hãy chia sẻ bài viết này đến bạn bè và người thân xung quanh của bạn nhé!
Nguồn: Mayo Clinic, Cleveland Clinic, Hopkins Medicine, NHS.