Phan Đình Phùng tên hiệu là Châu Phong, sinh ngày 24-4 năm Đinh Mùi (tức ngày 6-6-1847), tại làng Đông Thái, xã Yên Hạ, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Tháng 10-1885, khi vua Hàm Nghi ra Hà Tĩnh, Phan Đình Phùng được phong làm Tán lý quân vụ, thống lĩnh nghĩa binh, đẩy mạnh phong trào chống Pháp. Được nhà vua trực tiếp giao nhiệm vụ, Phan Đình Phùng trở về làng Đông Thái, sau đó chuyển đến làng Phụng Công (Đức Thọ, Hà Tĩnh) tập hợp các văn thân, những vị chỉ huy có tài như: Cao Thắng, Nguyễn Trạch, Nguyễn Chanh, Lê Văn Tạc, Phan Đình Phong, Phan Đình Can, Cao Đạt... và chiêu mộ nghĩa quân kháng chiến.
Năm 1887, sau khi giao quyền cho Cao Thắng lãnh đạo xây dựng và phát triển lực lượng nghĩa quân, Phan Đình Phùng ra Bắc tìm gặp các văn thân, sĩ phu yêu nước để liên kết, phát triển phong trào chống Pháp mạnh mẽ hơn. Cũng trong thời gian này, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh còn có các đội nghĩa quân của Nguyễn Huy Thuận ở huyện Thạch Hà; Nguyễn Chanh và Nguyễn Trạch ở huyện Can Lộc; Huỳnh Bá Xuyên ở huyện Cẩm Xuyên; Ngô Quảng ở huyện Nghi Xuân; Vũ Pháp ở huyện Kỳ Anh; Phan Đình Nghinh ở tổng Lai Thạch, huyện Can Lộc. Ở Nghệ An có nghĩa quân do Nguyễn Mậu lãnh đạo ở phủ Anh Sơn và Lê Trọng Vĩnh ở phủ Diễn Châu. Ở Quảng Bình có nghĩa quân do Nguyễn Thụ, Nguyễn Bí lãnh đạo. Ở Thanh Hóa có nghĩa quân của Cầm Bá Thước...
Trải qua quá trình xây dựng và chiến đấu, các đội nghĩa quân đã có ít nhiều kinh nghiệm, song nếu hoạt động phân tán ở từng phủ, huyện, hoặc rộng hơn là từng tỉnh sẽ không phát triển rộng lớn được, kẻ địch có thể tập trung lực lượng, vây đánh, triệt hạ từng đội. Trước tình hình đó, yêu cầu thống nhất lực lượng dưới sự lãnh đạo chung để tăng cường sức mạnh chiến đấu trở nên bức thiết. Nhận thức rõ điều đó, năm 1889, Cao Thắng đã cử người ra Bắc đón Phan Đình Phùng về đảm nhận trọng trách thống lĩnh phong trào.
Tháng 9-1889, Phan Đình Phùng trở về Hà Tĩnh, được nghĩa quân và nhân dân đón tiếp nồng nhiệt. Ngay sau đó, Phan Đình Phùng truyền hịch kêu gọi các văn thân, sĩ phu yêu nước và dân chúng gần xa, cùng nhau hợp lực chống Pháp. Nhận được bản hịch vừa truyền tới, nhiều bậc danh nho, hào kiệt chỉ huy nghĩa quân ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa liền đến hoặc cử người đến Vụ Quang (Hương Khê, Hà Tĩnh) báo tin tự nguyện phối hợp chiến đấu dưới ngọn cờ kháng chiến của Phan Đình Phùng.
Trên cơ sở lực lượng vừa tập hợp, đồng thời căn cứ vào tình hình cụ thể ở Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận, Phan Đình Phùng tổ chức nghĩa quân thành 15 quân thứ và cử tướng lĩnh chỉ huy. Các quân thứ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị hành chính, thường là phủ, huyện, có khi là tổng hay làng, thậm chí là tỉnh và thống nhất gọi theo tên của địa phương đó. Cụ thể: 1- Khê thứ ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), do Nguyễn Thoại chỉ huy. 2- Hương thứ ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), do Nguyễn Huy Giao chỉ huy. 3- Thạch thứ ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), do Nguyễn Huy Thuận chỉ huy. 4- Cẩm thứ ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), do Huỳnh Bá Xuyên chỉ huy. 5- Nghi thứ ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), do Ngô Quảng và Hà Văn Mỹ chỉ huy. 6- Kỳ thứ ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), do Võ Phát và Nguyễn Tiến Đắc chỉ huy. 7- Can thứ ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), do Nguyễn Chanh, Nguyễn Trạch chỉ huy. 8- Lai thứ ở tổng Lai Thạch, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), do Phan Đình Nghinh chỉ huy. 9- Diệm thứ ở làng Tình Diệm, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), do Cao Đạt chỉ huy. 10- Lễ thứ ở làng Trung Lễ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), do Nguyễn Cấp chỉ huy. 11- Anh thứ ở phủ Anh Sơn (Nghệ An), do Nguyễn Mậu chỉ huy. 12- Diễn thứ ở phủ Diễn Châu (Nghệ An), do Lê Trọng Vinh chỉ huy. 13- Lệ thứ ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), do Nguyễn Bí chỉ huy. 14- Bình thứ ở tỉnh Quảng Bình, do Nguyễn Thụ chỉ huy. 15- Thanh thứ ở tỉnh Thanh Hóa, do Cầm Bá Thước chỉ huy.

Đài tưởng niệm chí sĩ yêu nước Phan Đình Phùng và nghĩa quân tham gia Khởi nghĩa Hương Khê tại thị trấn Vũ Quang,
huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: CHÍ HÒA
Phan Đình Phùng đặt đại bản doanh ở Vụ Quang thuộc quân thứ Hương Khê. Cao Thắng được coi như tổng chỉ huy các quân thứ, dưới sự lãnh đạo chung của Phan Đình Phùng. Tùy theo từng địa phương, mỗi quân thứ được bố trí số lượng nghĩa quân phù hợp. Quân thứ có số quân đông do một đề đốc chỉ huy; quân thứ có số quân ít hơn do một lãnh binh phụ trách. Thông thường mỗi quân thứ bố trí từ 200 đến 300 nghĩa quân, quân thứ đông nhất là 500 và ít nhất là 100 nghĩa quân. Mỗi quân thứ chịu trách nhiệm trông coi địa phương của mình và cử về đại bản doanh một đội quân gồm 20 người khỏe mạnh, dũng cảm, thông thạo đường sá để khi có mệnh lệnh thì truyền đạt được nhanh chóng. Hằng ngày, đội quân liên lạc này mang mệnh lệnh của bộ chỉ huy tới các quân thứ, đồng thời đưa tin ở các quân thứ về đại bản doanh của nghĩa quân. Riêng Phan Đình Phùng có đội quân cận vệ 20 người, do Nguyễn Mục phụ trách. Phan Đình Phùng còn thảo ra những điều kỷ luật thi hành chung trong các quân thứ.
Vũ khí của nghĩa quân, ngoài những thứ thông thường còn có khoảng 500 khẩu súng tự chế (kiểu súng của Pháp năm 1874) và rất nhiều súng hỏa mai. Về trang phục, nghĩa quân thống nhất mặc áo đen hoặc nâu, đầu đội nón bằng nhỏ, lưng thắt dải vải màu xanh ngái, chân đất. Từ hiệp quản trở lên mặc quần áo cẩm bào màu đỏ. Lương thực và của cải của nghĩa quân chủ yếu do nhân dân đóng góp.
Việc thành lập 15 quân thứ đánh dấu bước phát triển trong quá trình xây dựng nghĩa quân do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Phan Đình Phùng không những thống nhất được các lực lượng nghĩa quân chống Pháp của cả 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa về danh nghĩa, mà còn về các mặt chỉ huy, vũ khí trang bị, kỷ luật, thông tin liên lạc, trang phục, lương thực... Sự thống nhất đó giúp nghĩa quân đồng lòng về ý chí tư tưởng, mở rộng địa bàn hoạt động không chỉ ở Hà Tĩnh mà lan rộng ra các tỉnh lân cận. Qua các tài liệu lịch sử để lại, tuy không nhiều, nhưng cũng có thể cho thấy, trong những năm 1889-1895, hoạt động nổi bật nhất của nghĩa quân ở các quân thứ là tập kích vào các đồn lẻ, hoặc phục kích đánh địch trên đường hành quân, chống càn quét với 28 trận lớn, nhỏ. Điển hình là quân thứ Thạch Hà, do Nguyễn Huy Thuận chỉ huy đã táo bạo tập kích vào tỉnh lỵ Hà Tĩnh (ngày 23-8-1892), giải thoát cho hơn 70 nghĩa quân bị địch giam giữ ở nhà lao.
Lo sợ trước tình hình nghĩa quân do Phan Đình Phùng lãnh đạo ngày càng lớn mạnh, quân Pháp một mặt tăng cường càn quét, thu hẹp phạm vi hoạt động của từng quân thứ, mặt khác tìm cách cắt đứt liên lạc giữa các quân thứ và giữa nghĩa quân với nhân dân. Trước sự o ép của địch, Phan Đình Phùng quyết định chuyển lực lượng nghĩa quân ở Hà Tĩnh lên căn cứ Vụ Quang (quân thứ Hương Khê). Tại đây, nghĩa quân do Phan Đình Phùng chỉ huy đã liên tục chiến đấu, đánh tan nhiều cuộc càn quét của địch vào căn cứ, tiêu biểu là trận Vụ Quang ngày 26-10-1894. Với kế “sa nang úng thủy” do Phan Đình Phùng lập ra như Hàn Tín đánh quân Sở ngày xưa, nghĩa quân diệt 100 tên địch, có 3 chỉ huy, thu 50 súng. Chiến thắng Vụ Quang gây tiếng vang lớn, nhưng không tạo ra cục diện mới có lợi cho Phan Đình Phùng; nghĩa quân vẫn nằm trong vòng vây siết chặt của địch. Bên ngoài quân thứ Hương Khê, các quân thứ khác cũng luôn bị địch tiến công nên không đủ sức cơ động hỗ trợ cho đại bản doanh của Phan Đình Phùng. Trong khi đó, địch tăng cường bao vây, càn quét dài ngày căn cứ Vụ Quang. Phan Đình Phùng trực tiếp chỉ huy nghĩa quân chiến đấu ngoan cường và bị trọng thương. Ông mất ngày 28-12-1895.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP