Bs CKI Nguyễn Hữu Anh - Khoa GM-HS
ĐẠI CƯƠNG
Cuộc mổ thành công tùy thuộc một phần lớn vào sự chăm sóc sau mổ. Giai đoạn ngay sau mổ là giai đoạn có nhiều rối loạn về sinh lý bao gồm các biến chứng về hô hấp, tuần hoàn, kích thích, đau, rối loạn chức năng thận, rối loạn đông máu, hạ nhiệt độ...gây ra do gây mê hoặc do phẫu thuật. Để phát hiện sớm các biến chứng này cần có những nhân viên được huấn luyện, có kinh nghiệm, cần có các phương tiện để theo dõi bệnh nhân sau mổ. Điều quan trọng trong giai đoạn này là không bao giờ được để bệnh nhân chưa tỉnh thuốc mê nằm một mình
CHĂM SÓC BỆNH NHÂN NGAY SAU PHẨU THUẬT THÔNG THƯỜNG
1. Vận chuyển bệnh nhân, thay đổi tư thế
Sau mổ khi đổi tư thế, vận chuyển bệnh nhân từ bàn mổ sang xe đẩy hay gường bệnh cần phải nhẹ nhàng. Thay đổi tư thế đột ngột có thể gây tụt huyết áp, trụy mạch, choáng. Trong phẫu thuật chỉnh hình nếu vận chuyển bệnh nhân không đúng cách hoặc thô bạo có thể gây ảnh hưởng đến sự thành công của cuộc phẫu thuật. Do đó tốt nhất là đặt xe chuyển bệnh nhân cạnh bàn mổ và chuyển bệnh nhân thật nhẹ nhàng sang xe đẩy.
Chăm sóc bệnh nhân sau mổ tại phòng hồi tỉnh
Trong tất cả các trường hợp phẫu thuật bệnh nhân cần có thể dùng loại tấm ra vải kê dưới lưng bệnh nhân để khi chuyển bệnh nhân từ bàn mổ qua xe hay giường ta chỉ cần khiêng tấm vải đã đặt dưới lưng bệnh nhân, như thế rất nhẹ nhàng và rất tiện lợi.
2. Giường, phòng bệnh nhân
Giường nằm phải êm, chắc chắn, thoải mái, giường có thể đặt tư thế đầu cao, tư thế Fowler, tư thế đầu thấp. 2 bên thành giường nên có thanh bảo vệ, tránh những trường hơp bệnh nhân chưa tự chủ được có thể tự lăn mình rơi xuống đất
Trời rét phải có đủ chăn ấm, có túi nước nóng đặt xung quanh, có thể dùng máy sưởi, bố trí sẵn các đệm hơi nóng….
Mùa nóng phòng phải thoáng và tốt nhất có máy điều hòa….
Nếu bệnh nhân chưa tỉnh, phản xạ ho chưa có phải đặt bệnh nhân nằm nghiêng đầu sang một bên hoặc bệnh nhân nằm ngửa có một gối mỏng lót dưới vai cho cổ và đầu ngửa ra sau. Và phải có điều dưỡng theo dõi sát, đặc biệt không nên để bệnh nhân nằm một mình khi bệnh nhân thật sự chưa tỉnh.
3. Dấu sinh tồn
Hô hấp: tần số thở, biên độ hô hấp, độ bão hoà oxy theo mạch đập (SpO2), màu da, niêm mạc.
Tuần hoàn: mạch, nhịp tim, huyết áp, áp lực tĩnh mạch trung ương.
Thần kinh: bênh nhân tỉnh hay mê. Nếu bệnh nhân chưa tỉnh cần được theo dõi sát và đặt bệnh nhân ở tư thế như đã hướng dẫn ở trên.
Theo dõi mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở 15-30 phút một lần cho đến khi ổn định (huyết áp trên 90/60mmHg), sau đó mỗi giờ một lần.
Tất cả trường hợp phẫu thuật cần theo dõi sát: rối loạn hô hấp, rối loạn tuần hoàn, tím tái, chảy máu ở vết thương…
Ngày nay tại các phòng hồi tỉnh có các phương tiện theo dõi bằng monitoring… nhưng phải thăm khám, kiểm tra thật kỹ không nên hoàn toàn tin tưởng vào các chỉ số trên màn hình monitor.
4. Động viên tinh thần và cho bệnh nhân vận động sớm
Thực hiện y lệnh nằm tại giường hoặc đi lại. Thường sau gây mê bệnh nhân phải được xoay trở mỗi 30 phút cho đến khi tự cử động được.
Tập thở sâu, tập ho, tập cử động hai chân, hai tay sớm để tránh các biến chứng.
Động viên tinh thần cho bệnh nhân, tạo cho bệnh nhân cảm giác an tâm. Tránh cho bệnh nhân những lo sợ không đáng có, để người bệnh có tinh thần tốt nhất vượt qua bệnh tật.
5. Theo dõi BILAN nước
Ghi lại lượng dịch vào, ra trong 6 giờ, tính bilan dịch vào ra. Trong một số trường hợp cần tính bilan dịch vào ra mỗi 3 giờ và trong 24 giờ
Cho y lệnh nhịn hay chế độ ăn uống sớm.
Nên cân bệnh nhân trong một số trường hợp cần thiết.
6. Theo dõi nước tiểu
Theo dõi lượng nước tiểu, màu sắt nước tiểu sau mổ, đặc biệt một số trường hợp bệnh nặng hoặc chưa có nước tiểu 6- 8 giờ sau mổ, cần phải khám xét kỹ lâm sàng và cận lâm sàng để có hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân..
7. Theo dõi ống dẫn lưu
Phải có chỉ thị theo dõi các ống dẫn lưu nước tiểu, lồng ngực, bụng từ 1-2 giờ một lần. Trường hợp đặc biệt cần phải theo dõi các rối loạn về hô hấp, chảy máu ở vết thương, vết mổ hay máu chảy qua ống dẫn lưu.
Phẫu thuật nội soi khớp
8. Thuốc điều trị
Thường dùng các loại thuốc giảm đau, chống nôn, kháng sinh...phải chú ý thuốc đặc biệt dùng trước mổ như insulin, digitalis...
Trước khi cho thuốc phải:
- Đánh giá lại tình trạng bệnh nhân sau mổ, khám lâm sàng, hỏi bệnh.
- Xem lại bảng gây mê hồi sức, các thuốc, các dịch, máu, huyết thanh đã dùng trong mổ.
9. Liệu pháp oxy
Ở giai đoạn sau mổ thiếu oxy hay gặp do những thay đổi hô hấp xảy ra khi gây mê, do còn tác dụng của thuốc mê, do đau bệnh nhân thở yếu, do run lạnh làm tăng tiêu thụ oxy. Cung cấp oxy làm giảm tần số và mức độ nặng của giảm oxy sau mổ, giảm các biến chứng tim mạch, thần kinh, giảm buồn nôn, nôn và tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ. Vì vậy người ta khuyến cáo sử dụng oxy sau một cách hệ thống.
Có ba cách cho thở oxy chính: Dùng mặt nạ cho bệnh nhân chưa tỉnh hoặc bệnh nhân chỉ thở bằng miệng, dùng ống thông mũi đơn hay ống thông mũi hai nòng cho những bệnh nhân thở được cả miệng-mũi tạo cho bệnh nhân dễ chịu, có thể nói chuyện được.
Liều lượng cần 3-10 lít/phút.
10. Giảm đau sau mổ
Dự phòng và điều trị đau sau mổ là một vấn đề lớn trong chăm sóc sau mổ, nhiều kỹ thuật có thể áp dụng tuỳ theo mức độ đau đánh giá được mà có thể áp dụng riêng rẽ hay phối hợp các kỹ thuật.
Cần nhớ rằng thuốc giảm đau nên được cho theo giờ không đợi đến lúc xuất hiện cảm giác đau mới tiêm.
Đánh giá mức độ đau là dựa vào lâm sàng, dùng thang điểm đánh giá EVA (Echelle visuelle analogique) hoặc đánh giá định tính (đau ít, đau vừa, đau nhiều, đau không chịu nổi).
Các thuốc có thể dùng hiện nay:
- Paracetamol: Prodafalgan 1g, dùng liều 15mg/kg/6giờ không dùng quá 6g/ngày.
- Prodafalgan là tiền chất của paracetamol sau khi tiêm 1g prodafalgan sẽ bị thuỷ phân cho 0,5g paracetamol.
- Diclofenac (Voltarene 75mg) liều lượng 3mg/kg/ngày.
- Morphine được sử dụng sau các phẫu thuật mà mức độ đau nhiều, vẫn còn đau nhiều sau khi dùng các thuốc giảm đau như trên.
Bậc thang dùng thuốc giảm đau của Tổ chức y tế thế giới:
I. Không thuộc nhóm thuốc phiện: aspirine, paracetamol.
IIa. Thuốc phiện tác dụng yếu: codeine (Dafalgan codeine), dextropropoxyphen (Diantalvic).
IIb. Thuốc phiện tác dụng trung bình: temgésic, nubaine, topalgic, contramal.
IIIa. Thuốc phiện tác dụng mạnh: morphine, fentanyl.
IIIb. Thuốc phiện mạnh dạng tiêm: morphine.
11. Truyền dịch sau mổ
Truyền dịch sau mổ để bù thể tích dịch thiếu do nhịn ăn, uống, dịch truyền cung cấp một ít năng lượng để giảm dị hoá.
Người lớn trọng lượng 60kg lượng dịch cung cấp từ 2000-2500ml/ngày hoặc cho 35-40ml/kg/ngày, nếu thời tiết nóng hoặc bệnh nhân sốt có thể tăng lên 3000ml.
Nhu cầu Na+, K+ :1mmol/kg/ngày.
Các loại dịch có thể dùng sau mổ trong điều kiện hiện nay: dung dịch ringer lactate, dung dịch NaCl 0,9%, dung dịch glucose 5%, 10%. Có thể cho 500ml dung dịch ringer lactate, 500ml dung dịch NaCl 0,9%, 1000ml glucose 5%. Không nên cung cấp quá nhiều dung dịch NaCl 0,9% vì thận sẽ không thải hết natri. Không cung cấp quá nhiều dung dịch glucose vì bệnh nhân có nguy cơ ngộ độc nước nhất là ở trẻ em.
Nếu can thiệp phẫu thuật lớn trong mổ đã cung cấp đủ dịch sau mổ ngày đầu chỉ cho 2000ml. Ngày tiếp theo có thể cho 3000ml sau khi bệnh nhân có nước tiểu bình thường.
Bù Kali: Nên thêm 1g dung dịch KCl 10%(10ml) vào mỗi chai dịch trên. Chỉ cho kali khi bệnh nhân có nước tiểu bình thường, lượng kali duy trì tối đa 80mmol/ngày. Không nên dùng kali bơm tĩnh mạch trực tiếp.
Bù dịch mất qua xông dạ dày đồng thể tích với dung dịch NaCl 0,9% hút ra, nếu hút ra 500ml dịch dạ dày thì bù thêm 20mmol K+ vào dịch truyền tĩnh mạch.
CÁC BIẾN CHỨNG SỚM NGAY SAU MỔ
1. Biến chứng hô hấp
Trong giai đoạn sau mổ có thể có các biến chứng sau: tắc nghẽn đường hô hấp trên, giảm oxy máu động mạch, giảm thông khí phế nang, hít dịch dạ dày.
Tắc nghẽn đường hô hấp trên
Đây là nguyên nhân thường gặp ở phòng hồi sức sau mổ:
Nguyên nhân:
- Tụt lưỡi gây tắc hầu.
- Ứ đọng dịch, chất tiết trong hầu họng.
- Co thắt thanh quản, tổn thương trực tiếp thanh quản.
- Co thắt thanh quản, phù thanh quản.
- Liệt dây thanh.
- Chèn ép từ bên ngoài: tắc nghẽn hầu, thanh quản có thể xảy ra sau khi phẫu thuật đầu, mặt cổ.
Triệu chứng lâm sàng:
- Khó thở thì thở vào.
- Nghe âm thở ồn ào.
- Phập phồng cánh mũi.
- Rút lõm hỏm trên xương ức, các khoảng gian sườn.
- Co cơ bụng, cơ hoành dữ dội.
Xử trí:
- Ngửa đầu ra sau.
- Kéo hàm ra trước làm kéo lưỡi ra xa thành họng sau.
- Đặt Airway nhưng có nguy cơ kích thích làm bệnh nhân nôn, ọe.
Hạ oxy máu động mạch
Nguyên nhân:
- Còn tác dụng của thuốc mê.
- Đau làm hạn chế hô hấp nhất là sau phẫu thuật bụng, ngực.
- Xẹp phổi gây nên shunt phải-trái trong phổi là nguyên nhân chung nhất. Xẹp phổi do tắc các phế quản nhỏ do chất tiết. Giảm chỉ số thông khí tưới máu, giảm thể tích dự trữ cặn chức năng.
- Hít dịch dạ dày: đóng các đường dẫn khí phản xạ, mất chất surfactant, tổn thương mạch máu.
- Tắc mạch phổi do khí.
- Giảm cung lượng tim
- Phù phổi do suy tim trái
- Tràn khí màng phổi
- Bệnh nhân lớn tuổi, béo phì là yếu tố thuận lợi của hạ oxy máu động mạch
- Chẩn đoán hạ oxy máu đòi hỏi làm khí máu, gọi là hạ oxy máu khi PaO2 < 60mmHg, cần theo dõi độ bão hòa oxy để phát hiện. Các dấu hiệu lâm sàng thường không đặc hiệu: tăng huyết áp, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm, loạn nhịp tim, kích thích.
- Hemoglobin thấp làm khó phát hiện dấu tím tái.
Xử trí:
- Cho thở oxy hỗ trợ.
- Điều trị nguyên nhân, nếu không hiệu quả phải thở máy chế độ PEEP (thở máy áp lực dương cuối kỳ thở ra).
Giảm thông khí phế nang
Dẫn đến tăng PaCO2 thường xảy ra sớm ở giai đoạn sau mổ.
Nguyên nhân:
- Ức chế trung tâm hô hấp.
- Ảnh hưởng của thuốc giãn cơ.
- Đau sau mổ.
- Bị bệnh tắc nghẽn đường hô hấp từ trước.
Chẩn đoán đòi hỏi làm khí máu: PaCO2 > 44 mmHg:
2. Các rối loạn tuần hoàn
Hạ huyết áp
Nguyên nhân:
- Giảm tuần hoàn trở về và giảm thể tích là những nguyên nhân hay gặp nhất.
- Giảm co bóp cơ tim.
- Nhiễm trùng.
- Tràn khí màng phổi.
- Tràn dịch màng tim.
Xử trí:
- Bù dịch.
- Giải quyết nguyên nhân.
- Dùng thuốc vận mạch.
Tăng huyết áp
Nguyên nhân:
- Đau là nguyên nhân thường gặp.
- Tiền sử tăng huyết áp: 50% số bệnh nhân bị tăng huyết áp sau mổ có tiền sử tăng huyết áp.
- Các nguyên nhân khác do truyền quá nhiều dịch, tăng phân áp CO2 máu động mạch, giảm phân áp oxy máu động mạch.
Loạn nhịp tim
Nguyên nhân:
- Phân áp oxy máu động mạch thấp là nguyên nhân đầu tiên.
- Giảm thể tích tuần hoàn.
- Đau.
- Hạ nhiệt độ.
- Dùng thuốc kháng cholin.
- Thiếu máu cơ tim.
- Rối loạn điện giải đồ.
- Toan hô hấp.
- Tăng huyết áp.
- Có loạn nhịp từ trước.
Xử trí:
- Chủ yếu là giải quyết nguyên nhân
3. Kích thích sau mổ
Hay gặp ở bệnh nhân lớn tuổi, sử dụng các thuốc kháng cholin.
4. Đau
Đau thường xuyên xảy ra sau mổ nhất là ở giai đoạn hồi tỉnh và những ngày hậu phẫu vì vậy cần chú ý áp dụng các biện pháp giảm đau tốt. Nếu phẫu thuật cho bệnh nhân mà không lo chăm sóc giảm đau đớn cho bệnh nhân thì người thầy thuốc chưa hoàn thành trách nhiệm, vì khi bệnh nhân đau sau khi phẫu thuật ngoài việc ảnh hưởng đến tình trạng bệnh hiện tại bệnh nhân có thể bị stress về sau..
5. Rối loạn chức năng thận
Có thể do nguyên nhân trước thận như bù dịch chưa đủ trong mổ, nhưng cũng có thể do nguyên nhân thực thể vì vậy phải tìm kiếm nguyên nhân cụ thể để có biện pháp điều trị hợp lý.
6. Rối loạn đông chảy máu
Có thể do bệnh nhân đã có bệnh lý về máu trước đó. Nếu không có bệnh lý của máu thì nguyên nhân thường là do mất nhiều máu ở thời gian trước, trong mổ hoặc sau mổ hoặt bệnh nhân được truyền máu ngân hàng với số lượng lớn.
7. Hạ nhiệt độ
Do truyền nhiều dịch trong mổ, thời gian mổ lâu, nhất là về mùa đông; đặc biệt sử dụng các thuốc mê bốc hơi.
8. Chế độ ăn sau mổ
Trong những ngày đầu bệnh nhân không ăn uống gì được, việc hồi sức bằng đường tĩnh mạch là cần thiết.
Nếu như bệnh nhân không phải mổ đường tiêu hoá thì cho bệnh nhân ăn sữa cháo sớm; Còn nếu mổ ở đường tiêu hoá thì chờ trung tiện (sự lưu thông ruột trở lại) mới được cho ăn nhưng cho bệnh nhân ăn gì và ăn như thế nào thì phải tùy theo từng loại bệnh và tùy theo tình trạng của bệnh.. ,.