Rộng lớn, đậm đặc không gian văn hóa thời Trần
Theo chính sử, Nam Định ngày nay là quê hương, nơi phát tích của vương triều Trần-triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, 3 lần lãnh đạo quân dân Đại Việt chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông, đạo quân xâm lược hùng mạnh bậc nhất ở thế kỷ thứ 13, làm nên hào khí Đông A lừng lẫy một thời.
Chính sử cũng chép rằng, 760 năm trước (năm 1262), sau khi đại thắng quân Nguyên Mông, Thượng hoàng Trần Thái Tông đã về cố hương, thăng hương Tức Mạc (Phường Lộc Vượng-TP Nam Định ngày nay) thành phủ Thiên Trường; xây dựng tại đây nhiều công trình quan trọng như cung điện Trùng Quang (nơi ở của Thái Thượng Hoàng), Trùng Hoa (nơi ở của vua khi từ Thăng Long về yết kiến vua Cha), tu sửa chùa Phổ Minh, dựng Tháp Phổ Minh; cấp điền trang, thái ấp cho các quân vương, đưa Thiên Trường trở thành một hành cung quan trọng nhất trong hệ thống các hành cung nhà Trần, có vai trò như kinh đô thứ hai, sau Thăng Long.
Theo kết quả của các cuộc khảo cổ được thực hiện trong hơn 40 năm qua, không chỉ có các cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa, chùa Phổ Minh, quy mô, diện mạo của hành cung Thiên Trường dần dần còn được mở rộng với sự xuất hiện của hàng loạt các công trình kiến trúc thuộc địa bàn các xã Mỹ Trung, Mỹ Phúc (huyện Mỹ Lộc) và một phần của TP Nam Định ngày nay, càng thêm khẳng định hành cung Thiên Trường, Phủ Thiên Trường thực sự là một trung tâm quyền lực và hậu cứ quân sự quan trọng của Nhà Trần, một triều đại thịnh trị, đạt nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao.
Hàng ngàn hiện vật được phát hiện qua các cuộc khai quật khảo cổ (vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt, phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu, có niên đại thuần Trần, thế kỷ 13-14) đã nói lên điều này. Ngày nay, trong lòng Nam Định vẫn đang hiện hữu một không gian văn hóa thời Trần rộng lớn, với dày đặc những di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó tiêu biểu nhất là Quần thể di tịch lịch sử văn hóa đặc biệt Đền Trần-Chùa Tháp.
Không chỉ để lại dấu ấn qua hệ thống các di tích, qua các hiện vật khảo cổ, dấu ấn mọi mặt thời Trần, tinh thần, hào khí Đông A lẫy lừng một thời đến nay vẫn đang tồn tại, lưu giữ đậm đặc trong tâm thức người dân Nam Định. Người Nam Định không mấy người không khắc ghi trong tâm thức câu nhắc nhớ “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ mẹ”.
“Giỗ Cha” là giỗ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông, như đã biết, là biểu trưng của khí phách dân tộc Việt Nam, kiên cường, bất khuất, quyết chiến, quyết thắng mọi kẻ thù xâm lược; là hạt nhân quy tụ sức mạnh và là người đã lãnh đạo quân và dân Đại Việt, đồng lòng “Sát Thát”, lập kỳ tích ba lần đại thắng quân xâm lược Nguyên Mông, làm nên Hào khí Đông A lừng lẫy.
Không chỉ là nhà tư tưởng kiệt xuất, nhà quân sự thiên tài, nhà chiến lược quân sự tài ba về chiến tranh nhân dân, người đặt nền tảng hình thành binh pháp Việt Nam, ông còn được cả đương thời và hậu thế nhìn nhận là tấm gương sáng về lòng “trung quân, ái quốc”, thương dân, hết lòng chăm lo, trọng dụng người tài; coi việc “đồng tâm hòa mục” vua tôi, anh em, quân sĩ là đại nghĩa. Ông để lại cho hậu thế nhiều kiệt tác như “Binh thư yếu lược”, “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”, “Hịch tướng sĩ”...
Các trước tác của ông đều toát lên tư tưởng “chí trung đại nghĩa”, “lấy dân làm gốc” làm kế sách giữ nước. Ông được nhân dân tôn thờ, suy tôn là bậc Thánh nhân, thường được gọi là Đức Thánh Trần với lời nhắc nhớ: “Tháng tám giỗ cha tháng ba giỗ mẹ”.
Ông mất vào ngày 20-8 Âm lịch, từ nhiều đời nay, vào dịp này, nhân dân ở các địa phương trong tỉnh lại mở hội ở các điểm thờ phụng để tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Trần, lớn nhất là lễ hội tổ chức tại Đền Trần-TP Nam Định (lễ hội màu Thu).
Từ lâu, tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã được chính quyền, nhân dân tỉnh Nam Định xây dựng, đặt trang trọng tại trung tâm TP Nam Định. Năm 2012, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, các lực lượng vũ trang tỉnh Nam Định còn xây dựng công trình tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tại đảo Song Tử Tây, tương tự như công trình tượng đài ở TP Nam Định, dành tặng quân dân huyện đảo Trường Sa, với mong muốn tiếp thêm tinh thần, ý chí để quân dân huyện đảo bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đặc biệt, dấu ấn thời Trần còn được chính quyền, nhân dân tỉnh Nam Định lưu giữ, tái hiện qua Lễ hội Khai ấn Đền Trần, tổ chức vào dịp đầu Xuân hằng năm, là một trong những lễ hội lớn của cả nước, thu hút rất đông du khách trong và ngoài địa phương, mang ý nghĩa tưởng nhớ các vị vua triều Trần. Ngoài nghi lễ khai ấn, phát ấn, trong khuôn khổ lễ hội lớn này, du khách, nhất là thế hệ trẻ có dịp hiểu thêm về xuất thân chài lưới, gắn với sông nước của vương triều Trần, được nhân dân địa phương tái hiện qua nghi lễ rước Nước và tế Cá.
Ngoài ra, còn được xem nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ (tức nghi lễ rước chân nhang Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ chùa Tháp Phổ Minh về đền Trần, nằm gần chùa) với ý nghĩa tâm linh để Phật Hoàng bái yết tổ tiên, dự nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ; đồng thời mang ý nghĩa tri ân công đức bậc tiên tổ, tạo nên sự đoàn kết cộng đồng rộng lớn, dung hòa các tôn giáo, tín ngưỡng và giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu...
Như đã biết, năm 2014, Lễ hội đền Trần (Nam Định) đã được Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị tiền nhân để lại, ở thời điểm hiện tại, tỉnh Nam Định đang triển khai thi công, hoàn thiện dự án xây dựng Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử-văn hóa thời Trần (tổng mức đầu tư hơn 734 tỷ đồng) trên tổng diện tích đất 92,5 ha, gồm các phân khu: công viên văn hóa Trần, khu Trung tâm lễ hội và khu đệm.
Qua đó, từng bước hoàn thiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 252 ngày 12/10/2005; xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ cảnh quan và hoàn thiện cơ sở vật chất góp phần gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của quần thể Khu di tích lịch sử-văn hóa thời Trần; hình thành điểm du lịch phục vụ du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa thời Trần. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân…
Trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu-tín ngưỡng thuần Việt
Ở Nam Định có một hiện tượng tín ngưỡng, tâm linh được cho là cân bằng, đối xứng một cách rất tự nhiên. Theo đó, nếu như Đền Trần tượng trưng cho tín ngưỡng thờ Cha thì Phủ Dầy gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu (Mẹ). Nếu như Đền Trần có nghi lễ khai Ấn đêm 14 tháng Giêng thì Phủ Dầy gắn liền với chợ Viềng mỗi năm chỉ họp một phiên.
Với khoảng 400 điểm thờ thánh Mẫu trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó, quần thể di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái-huyện Vụ Bản, rộng gần 10 km2) có tới 18 điểm đền, phủ, lăng… phụng thờ, tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh (vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu, một trong “Tứ bất tử” trong tâm thức người Việt), tỉnh Nam Định là một trong những trung tâm lớn của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Các công trình nghiên cứu về tín ngưỡng này đều chỉ ra rằng: Tín ngưỡng thờ Mẫu là sản phẩm của tư duy, nhận thức về tự nhiên và xã hội của cư dân nông nghiệp lúa nước; chứa đựng nhiều giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc, nhất là tâm thức “Uống nước nhớ nguồn”.
Theo ông Trần Vũ Toán, thủ nhang phủ Nguyệt Du Cung (thuộc quần thể di tích Phủ Dầy), ai trong chúng ta cũng có Mẹ. Mẹ chính là người sinh ra, nuôi dưỡng chúng ta cả về thể chất và tâm hồn. Chính vì vậy thờ Mẫu (Mẹ) là thờ một biểu tượng rất đỗi thân thương, gần gũi nhưng vô cùng thiêng liêng. Ở nghĩa đó, tín ngưỡng thờ Mẫu gắn liền với đạo gia tiên, ở nghĩa đó có thể khẳng định tín ngưỡng thờ Mẫu chính là văn hóa Việt, là tín ngưỡng thuần Việt.
Còn theo các nhà nghiên cứu, nghi lễ Chầu văn, hầu đồng gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu là một hình thức diễn xướng tích hợp nhiều giá trị nghệ thuật, từ âm nhạc đến thời trang, hát múa, tạo nên một hình thức sân khấu tâm linh huyền ảo, mang đầy tính thiêng liêng thần bí. Chầu văn thường mượn lời thơ ca dân gian, cả văn chương bác học để ca ngợi những người nhân thần có công với dân với nước. Sinh thời, Giáo sư Trần Văn Khê từng đánh giá, nghệ thuật hát văn là một loại hình âm nhạc dân ca tiêu biểu của người Việt đóng góp vào kho tàng âm nhạc thế giới.
Cũng như lễ hội Đền Trần, lễ hội Phủ Dầy được đánh giá là một lễ hội lớn ở miền Bắc, được tổ chức vào đầu tháng 3 Âm lịch hằng năm, gắn liền với tâm thức “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”. Và, như đã biết, trong các năm 2012, 2013, “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy-Nam Định” được Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch cấp bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đặc biệt, ngày 1/12/2016, UNESCO đã ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” (trong đó Nam Định là một trung tâm thực hành lớn) vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cần được bảo vệ.
Để bảo vệ và phát huy tốt giá trị của di sản này, vào năm 2020 tỉnh Nam Định đã thành lập Hội bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt” tỉnh. Điều lệ của Hội xác định: Hội Bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định là tổ chức xã hội-nghề nghiệp tập hợp, đoàn kết cộng đồng tôn trọng tín ngưỡng thờ Mẫu, tâm huyết, trách nhiệm chung tay bảo vệ và phát huy giá trị của di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.
Thông qua các hoạt động của Hội nhằm tuyên truyền, bảo vệ những giá trị của di sản, đấu tranh, phê phán những hành động làm sai lệch, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của di sản; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên và cộng đồng; đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản theo tinh thần của Luật di sản văn hóa, góp phần thực hiện chủ trương của Nhà nước về xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch tỉnh Nam Định, với việc thành lập Hội bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt”, cộng đồng thực hành tín ngưỡng đông đảo ở địa phương đã có mái nhà chung, hoạt động sẽ có lề lối, việc quản lý, định hướng, bảo vệ, phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡn thờ Mẫu sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn…
Thuần nhất về dân tộc nhưng đa dạng về tôn giáo
Tỉnh Nam Định hiện có 3 tôn giáo chính là Phật Giáo, Thiên chúa giáo và Tin lành. Trong đó, Phật giáo có hơn 800 ngôi chùa. Nổi tiếng nhất, lâu đời nhất là chùa Tháp Phổ Minh, nằm trong quần thể Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt Đền Trần-Chùa Tháp (TP Nam Định). Chùa được xây dựng từ thời Lý, được tu bổ, mở rộng vào thời Trần. Đây là ngôi chùa vừa thờ Phật vừa thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị vua thứ 3 của triều Trần, nổi tiếng anh minh, người đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền riêng của Việt Nam.
Cảnh quan chùa có một điểm nhấn vô cùng đặc biệt, đó là Tháp Phổ Minh, được xây dựng vào năm 1305, dưới thời vua Trần Anh Tông, cao 19,5 m, có 14 tầng, lên cao thu hẹp dần và kết thúc bằng một chỏm nhọn hình bầu rượu có nhiều cạnh. Các tầng trên đều trổ cửa cuốn tò vò ra bốn phía. Bệ thờ bằng đá được đặt trong lòng tầng tháp thứ nhất, cách điệu bằng những cánh hoa sen. Trông xa, tháp Phổ Minh như một bông sen lớn trổ thẳng lên bầu trời trong xanh. Từ lâu Tháp Phổ Minh đã được tỉnh Nam Định chọn làm biểu tượng chung của tỉnh.
Về Công giáo, địa bàn tỉnh Nam Định có Giáo phận Bùi Chu, một phần Giáo phận Hà Nội; đạo Tin lành có 2 Hội Thánh.
Toàn tỉnh có hơn 660 ngôi thánh đường, rất nhiều trong số này được xây dựng đồ sộ về quy mô, kỳ công, tinh xảo về kiến trúc. Trong đó, Giáo phận Bùi Chu nằm trọn trong địa bàn 6 huyện phía Nam sông Đào của tỉnh Nam Định, tập trung phần lớn số lượng giáo xứ, giáo dân ở tỉnh. Nhiều xã ven biển thuộc các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng gần như toàn tòng Công giáo, cứ vài cây số vuông lại có một nhà thờ sừng sững, uy nghi.
Quá trình mở đất, lập làng, đồng bào Công giáo ở Nam Định đã sản sinh, lưu giữ nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc. Tham dự Ngày hội cách mạng do huyện Hải Hậu tổ chức vào dịp Quốc khánh hằng năm, không thể không trầm trồ khi được thưởng thức nghệ thuật thổi kèn đồng, đánh trống cà rùng, đi cà kheo… do người Công giáo địa phương trình diễn. Từ lâu, tiếng kèn đồng của các “nghệ sĩ” ở các xứ đạo ở Nam Định đã vượt khỏi khuôn viên nhà thờ, ngân lên trong các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội ở trong và ngoài tỉnh.
Đất văn hóa, văn hiến, văn nhân
Nam Định từ xa xưa đã nổi tiếng là vùng đất học, đất văn, quê hương của nhiều nhà văn hóa lớn, nhiều bậc hiền tài, khoa bảng, những chiến sĩ cách mạng tiền bối và nhiều nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc của Đảng, Nhà nước.
Trong đó, Nam Định được biết đến là quê hương của 5 vị trạng nguyên nổi danh trong lịch sử khoa cử phong kiến: Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Văn Bảo, Đào Sư Tích, Trần Bích San. Nơi có “làng học” Hành Thiện nức tiếng cả xưa lẫn nay về việc có nhiều con em học hành đỗ đạt, thành tài, đi vào dân gian với câu ca “Đông Cổ Am nam Hành Thiện”. Nam Định cũng là quê hương của nhạc sĩ Văn Cao, tác giả Quốc ca Việt Nam; quê hương của các thi sỹ tài danh Tú Xương, Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ…
Nhân dân Nam Định cũng đựợc biết đến là cộng đồng cho đến nay vẫn bảo vệ, gìn giữ được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như hát chèo, hát chầu văn, ca trù, rối nước, rối cạn…; duy trì, tổ chức tốt nhiều lễ hội dân gian nổi tiếng, mang nhiều ý nghĩa văn hóa, tâm linh như lễ hội đền Trần, lễ chùa Keo Hành Thiện, lễ hội chùa Cổ Lễ, lễ hội Đền Gin…
Nằm ở trung tâm vùng nam sông Hồng, thuộc miền duyên hải phía Bắc, Nam Định cũng được biết đến là tỉnh có vùng nông thôn trù phú, có nền nông nghiệp lâu đời. Từ nhiều đời nay, nông thôn, nông dân, ngư dân, diêm dân Nam Định đã và đang cung cấp cho xã hội nhiều sản phẩm thiết thực, từ các loại thực phẩm, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ đến sản phẩm du lịch nông thôn. Hàng trăm sản phẩm trong số này đã được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Đặc biệt, họ là những người đã sáng tạo, làm ra nhiều món ẩm thực bình dân nhưng không chỉ có giá trị về dinh dưỡng mà còn mang nhiều giá trị văn hóa. Trong đó, đến nay Bún đũa, Phở bò Nam Định, Nem nắm Giao Thủy, Bánh cuốn làng Kênh đã đã được công nhận “Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam”; Kẹo Sìu Châu-Nam Định, Nước mắm Sa Châu, Gạo tám xoan Hải Hậu đã được công nhận “Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam”.
Người Nam Định cũng là chủ nhân, đã và đang duy trì, phát triển được gần 100 làng nghề truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề nổi danh từ lâu đời như: Đúc đồng Tống Xá, gỗ mỹ nghệ La Xuyên, chạm khắc, sơn mài Cát Đằng (Ý Yên); dệt lụa, ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh); đồ chơi Trung Thu Báo Đáp (Nam Trực)…
Bảo vệ, giữ gìn, bồi đắp, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa
Theo thống kê, địa bàn tỉnh Nam Định hiện có 1.348 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 87 di tích cấp quốc gia, 295 di tích cấp tỉnh và 964 di tích trong danh mục kiểm kê.
Tỉnh có 9 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Hát ca trù, nghi lễ Chầu văn của người Việt, Lễ hội Phủ Dầy, Lễ hội Đền Trần, Lễ hội chùa Keo Hành Thiện, Lễ hội đền thờ đức Thánh tổ Tống Xá, Lễ hội Chùa Đại Bi, Lễ hội đền - chùa Linh Quang, Nghề sơn mài Cát Đằng). Riêng “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Không chỉ bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, di sản, di tích, ngày nay cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân ở Nam Định còn có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực để bổ sung, bồi đắp, hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong thời đại mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.
Theo đó, trong nhiều năm qua, toàn tỉnh đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh đều có nhà văn hóa, 100% làng, thôn, xóm có nơi sinh hoạt văn hóa.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mang bản sắc quê hương Nam Định và dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu văn hóa nhân loại.
Toàn tỉnh đã có hơn 1.500 hương ước, quy ước làng, thôn, xóm, tổ dân phố được tỉnh phê duyệt, góp phần giữ vững, ổn định chính trị, an ninh nông thôn, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố, tăng cường sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc
Những thành tựu về xây dựng môi trường văn hóa đã tạo nên sức mạnh tổng hợp - nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển theo hướng bền vững.
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức bình quân 7,9%/năm. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỷ trọng 82% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Đặc biệt, Nam Định là tỉnh dẫn đầu cả nước về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã có tới 182/204 xã, thị trấn đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao sau khi 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn giai đoạn 2010-2020. Huyện Hải Hậu được Trung ương chọn là một trong bốn huyện của cả nước xây dựng mô hình điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu; liên tục trên 40 năm đạt danh hiệu điển hình văn hóa - thông tin cấp huyện của cả nước.
Ngành giáo dục-đào tạo của tỉnh giữ vững thành tích 27 năm liên tục là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Tại các kỳ thi THPT quốc gia 7 năm gần đây, tỉnh Nam Định có 5 năm có số điểm trung bình đứng đầu toàn quốc, 2 năm đứng thứ hai toàn quốc. TP Nam Định tiếp tục giữ vững là đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp…
Tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển bền vững
Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, việc tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh trở nên cấp thiết. Hiện tại, BCH Đảng bộ tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU năm 2016 “Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Nam Định”. Trong đó, tỉnh đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm, gồm:
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt các nội dung của Nghị quyết số 07-NQ/TU tới đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, có ý thức tôn trọng pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương.
Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa, nhất là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ những giá trị “chân - thiện - mỹ”.
Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm thu hút sự hưởng ứng, tích cực tham gia của đông đảo người dân, đóng góp công sức, trí tuệ, sáng kiến, sáng tạo và nguồn lực để thực hiện…
Phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục, thể thao, nhất là thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa; tăng cường huy động các nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo đảm phù hợp với quy hoạch. Tạo điều kiện nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí.
Tăng cường công tác quản lý bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Triển khai chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Xây dựng và triển khai các chương trình, đề án trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa và các di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, quốc tế. Triển khai hiệu quả Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở tỉnh Nam Định đến năm 2030”. Khuyến khích thu hút các nguồn lực xã hội hóa trong công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, phát triển du lịch văn hóa.
Ông Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định (PV ghi)