Vi khuẩn bạch hầu có thể gây ra các bệnh lý nhiễm trùng cấp tính, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống của bệnh nhân. Vi khuẩn bạch hầu có thể gây ra một loạt các bệnh lâm sàng viêm nhiễm ở đường hô hấp trên, trong nhiều trường hợp không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách, có thể dẫn đến tử vong. Vậy vi khuẩn bạch hầu là gì? Có những đặc điểm điển hình nào? Dấu hiệu nhiễm bệnh ra sao? Làm sao để phòng ngừa hiệu quả vi khuẩn bạch hầu?
BS Bùi Công Sự - Quản lý Y khoa Vùng 3 - Miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC: “Vi khuẩn bạch hầu có thể gây ra bệnh bạch hầu, viêm mũi họng màng, viêm thanh quản tắc nghẽn đến những biến chứng nghiêm trọng như viêm cơ tim hoặc liệt các cơ, viêm dây thần kinh và thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, có thể phòng ngừa sự lây nhiễm và tấn công của vi khuẩn bạch hầu bằng việc chủng ngừa vắc xin cộng hợp 6 trong 1 cho trẻ em từ 2 - 24 tháng tuổi.”Vi khuẩn bạch hầu là gì?
Vi khuẩn bạch hầu thuộc họ Corynebacteriaceae, là tác nhân chính gây ra bệnh bạch hầu ở người. Họ Corynebacteriaceae bao gồm các giống như Corynebacterium, Listeria, Erysipelothrix… và phần lớn các giống vi khuẩn thuộc họ này không gây bệnh, chúng ký sinh trong đất, súc vật, người và một số ít có khả năng gây bệnh cho con người.
Đối với vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae, đây là loại vi khuẩn gây bệnh bạch hầu. Chúng có khả năng ký sinh cả ngoài môi trường và trong cơ thể con người. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng loại vi khuẩn này rất hiếu khí và được cho là phát triển tốt nhất khi có máu và huyết thanh.
Vi khuẩn bạch hầu thường không gây hại trừ khi chúng bị nhiễm bởi một thể thực khuẩn mang gen tạo ra độc tố, chất độc này gây bệnh bạch hầu. Bệnh bạch hầu xảy ra khi vi khuẩn bám vào và xâm nhập vào các lớp niêm mạc của cơ thể, chủ yếu ảnh hưởng đến đường hô hấp và sau đó giải phóng nội độc tố. Chất độc này có tác dụng cục bộ trên các tổn thương da và có khả năng phân giải protein, di căn trên các hệ cơ quan khác trong trường hợp nhiễm trùng nặng. (1)
Hình thái đặc điểm của vi khuẩn bạch hầu
Bạch hầu có hình thái đa dạng. Khi được quan sát dưới kính hiển vi, hình thái điển hình của nó là trực khuẩn, có 1 hoặc 2 đầu phình to với hình thái đặc trưng như chữ H, V, X, Y… nên còn được biết đến như trực khuẩn hình chùy. Kích thước của bạch hầu thường dao động từ 2 - 6 μm về chiều dài và từ 0,5 - 1 μm về chiều rộng. Bạch hầu không có vỏ, không sinh nha bào và không di động.
Các kiểu gen của vi khuẩn bạch hầu
Dựa trên hình thái khuẩn lạc và hồ sơ sinh hóa, vi khuẩn bạch hầu xuất hiện ở 3 dạng sinh học phổ biến, lần lượt là Mitis, Gravis, Intermedius, mỗi loại được phân biệt bằng sự tan máu, hình thái khuẩn lạc và phản ứng lên men. Cụ thể:
1. Mitis
Vi khuẩn bạch hầu kiểu gen Mitis được xác định bởi sự hiện diện của gen mecrA kiểu Mitis. Đây là một trong những loại gen phổ biến nhất trong vi khuẩn bạch hầu và được tìm thấy khá phổ biến ở nhiều nguồn mẫu khác nhau.
2. Gravis
Vi khuẩn bạch hầu kiểu gen Gravis được xác định bằng sự hiện diện của gen mecrA kiểu Gravis. Nó biểu hiện mức độ nghiêm trọng cao hơn và có thể gây ra những biểu hiện lâm sàng nặng hơn so với các kiểu gen khác.
3. Intermedius
Vi khuẩn bạch hầu kiểu gen Intermedius được xác định bằng sự hiện diện của gen mecrA kiểu Intermedius. Đây là một loại gen trung gian, có thể có sự kết hợp các đặc điểm của các kiểu gen khác.
Vi khuẩn bạch hầu gây bệnh gì?
Vi khuẩn bạch hầu gây nhiễm trùng cục bộ ở các vùng đường hô hấp trên như hầu họng và mũi hầu, gây ra một số loại bệnh lâm sàng như bệnh bạch hầu, viêm mũi họng màng, viêm thanh khí quản tắc nghẽn và nhiễm trùng da. Các biến chứng có thể gồm tắc nghẽn đường thở do hình thành màng và bệnh hệ thần kinh trung ương qua trung gian độc tố (CNS) hoặc viêm cơ tim.
Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng và nhiễm độc cấp tính phổ biến nhất do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh có thể lan rộng và gây tử vong với tỷ lệ khá cao, thường xuất hiện nhiều nhất ở trẻ em, trẻ vị thành niên và cả người lớn chưa được tiêm chủng đầy đủ. Bệnh có 2 biểu hiện chính là tạo màng giả trên họng cùng với sự phình to ở cổ và nhiễm độc toàn thân.
Khả năng tồn tại của vi khuẩn bạch hầu
Vi khuẩn bạch hầu có khả năng tồn tại ngoài cơ thể và chịu được thời tiết khô hanh, lạnh giá do có sức đề kháng cao hơn các chủng vi khuẩn không có nha bào khác. Vi khuẩn bạch hầu thường có lớp chất nhầy bên ngoài để bảo vệ. Thời gian tồn tại của chúng trong môi trường khác nhau được các chuyên gia đánh giá từ trung bình đến rất lâu. Ví dụ, ở môi trường các loại vải, vi khuẩn bạch hầu có thể sống trong vòng 1 tháng, 20 ngày trong nước hoặc sữa tươi và 15 ngày trong tử thi của người bệnh.
Tuy nhiên, vi khuẩn bạch hầu khá nhạy cảm với yếu tố lý hóa. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, chúng sẽ chết sau vài giờ. Nếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khuếch tán, vi khuẩn bạch hầu sẽ bị tiêu diệt sau vài ngày. Ở nhiệt độ 58 độ C, chúng chỉ tồn tại trong khoảng 10 phút và chỉ sống được 1 phút dưới tác động của các chất sát khuẩn, phenol 1% và cồn 60 độ.
Ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu là một protein không bền với nhiệt, có tính kháng nguyên đặc hiệu và độc tính cao, không chịu được nhiệt độ hoặc formol. Ngoại độc tố này giống nhau trên các loại vi khuẩn bạch hầu. Đây là một độc tố mạnh mẽ, với chỉ 1mg đã có thể giết chết 1.000 con chuột lang nặng 250g sau 6 giờ.
Vi khuẩn bạch hầu lây qua đường nào?
Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu thường lây lan nhanh nhất qua đường hô hấp và đây cũng được xác định là nguồn chính gây nhiễm bệnh. Khi tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người đã nhiễm vi khuẩn, vi khuẩn sẽ lây lan thông qua các giọt bắn và dịch bài tiết từ đường hô hấp ra môi trường bên ngoài.
Bệnh cũng có thể lây lan thông qua việc tiếp xúc gián tiếp với người bệnh, bao gồm sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt hoặc chạm vào dịch bài tiết từ đường hô hấp. Ngoài ra, một số vật dụng mà người bệnh đã tiếp xúc, ngay cả khi không được sử dụng thường xuyên, cũng có thể mang vi khuẩn ký sinh trên bề mặt.
Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn bạch hầu
Vi khuẩn bạch hầu xâm nhập vào đường hô hấp và sinh sống trên niêm mạc hầu, họng. Chúng phát triển trong đường hô hấp và tiết ra ngoại độc tố. Một mặt vi khuẩn bạch hầu và độc tố kích thích gây loét tại chỗ tạo thành một màng giả màu trắng xám, bám chặt vào niêm mạc. Màng giả này thường xuất hiện đầu tiên ở họng, sau đó có thể lây lan lên đường mũi hoặc xuống khí quản.
Bạch hầu trong hầu họng, thanh quản đặc biệt nghiêm trọng vì nó gây cản trở đường thở của người bệnh. Mặt khác, ngoại độc tố cũng có thể theo đường máu và tác động đến hệ thống thần kinh trung ương, gây ra các biểu hiện như liệt miệng, liệt cơ mắt, liệt tứ chi và tổn thương tuyến thượng thận. Ngoại độc tố từ bạch hầu cũng có thể ảnh hưởng đến tim, gây ra rối loạn nhịp tim và suy tim.
Dấu hiệu nhiễm vi khuẩn bạch hầu
Các triệu chứng của người bệnh bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu thường xuất hiện từ 2 - 5 ngày sau khi nhiễm trùng. Giai đoạn đầu tiên của bệnh có đặc điểm là bề mặt biểu mô bị ảnh hưởng phù nề và sưng. Sau đó, sự hoại tử xảy ra và tạo thành các dịch tiết mủ fibrin (2). Những chất tiết này sau đó đông lại và tạo thành một lớp màng giả màu trắng xám trên vùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, không phải lúc nào màng giả cũng xuất hiện và mức độ của chúng có thể thay đổi từ các mảng nhỏ trên amidan bị nhiễm trùng đến sự bao trùm rộng hơn từ vùng hầu họng đến thanh quản.
Các triệu chứng phổ biến kèm theo là sốt và đau họng, sau đó là suy nhược, đau khi nuốt và đau đầu. Trong trường hợp bạch hầu ở mũi, có thể quan sát thấy dịch tiết nhẹ hoặc mủ trong mũi, phù cổ, giọng khàn, thở rít và các hạch cục bộ rõ rệt. Ở người lớn, các biểu hiện không điển hình có thể được quan sát ở các tổn thương trong miệng.
Phòng ngừa nhiễm vi khuẩn bạch hầu bằng cách nào?
Để ngăn chặn sự lây lan của bệnh bạch hầu qua đường hô hấp, các chuyên gia khuyến cáo thực hiện việc cách ly và điều trị cho cả bệnh nhân và người không mắc bệnh nhưng mang mầm bệnh. Hiện nay, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất được các chuyên gia khuyến nghị là tiêm vắc xin bạch hầu cho trẻ em từ 2 tháng tuổi và người lớn. Sau đó, cần tiêm nhắc lại mỗi 3 năm hoặc 5 năm hoặc 10 năm theo khuyến cáo của từng độ tuổi để củng cố miễn dịch.
Vắc xin phòng bệnh bạch hầu được đánh giá là rất hiệu quả trong việc phòng bệnh bạch hầu, với hiệu quả bảo vệ cao lên đến trên 95%. Bộ Y tế khuyến khích thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu mũi cơ bản đối với trẻ sơ sinh từ 2 - 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, người trưởng thành vẫn có thể tiêm vắc xin này để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh và đối mặt với các biến chứng nguy hiểm mà bệnh bạch hầu gây ra. Hiện nay, vắc xin phòng tránh bệnh bạch hầu thường được tích hợp trong các loại vắc xin 3 trong 1, 4 trong 1, 5 trong 1 và 6 trong 1 để phòng ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thông qua 1 lần tiêm, hạn chế tối đa số mũi tiêm và giảm thiểu cảm giác đau khi chích ngừa mà vẫn đảm bảo được hiệu quả phòng ngừa của vắc xin.
Hiện Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đang có đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh bạch hầu dành cho trẻ em và người lớn với số lượng lớn, được bảo quản nghiêm ngặt trong điều kiện tối ưu của hệ thống kho lạnh và dây chuyền lạnh (Cold Chain) đạt tiêu chuẩn Quốc tế GSP (Good Storage Practice) tại hàng trăm trung tâm trên toàn quốc, bảo quản vắc xin trong nhiệt độ từ 2-8 độ C theo yêu cầu của nhà sản xuất. Cam kết mang đến dịch vụ và quy trình tiêm chủng vắc xin an toàn, hiệu quả, chất lượng cao.
Các loại vắc xin phòng bệnh bạch hầu và vắc xin phối hợp có thành phần phòng bệnh bạch hầu hiện đang cung cấp tại hàng trăm trung tâm tiêm chủng VNVC cao cấp trên toàn quốc gồm có:
- Vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa của GSK (Bỉ);
- Vắc xin 6 trong 1 Hexaxim của Sanofi (Pháp);
- Vắc xin 5 trong 1 Pentaxim của Sanofi (Pháp);
- Vắc xin 3 trong 1 Adacel của hãng Sanofi - Pháp;
- Vắc xin 3 trong 1 Boostrix của hãng Glaxosmithkline (GSK) - Bỉ;
- Vắc xin 4 trong 1 Tetraxim 0.5 ml của hãng Sanofi - Pháp;
- Vắc xin uốn ván, bạch hầu hấp phụ (Td) - Việt Nam.
Các tổ chức và chuyên gia y tế hàng đầu thế giới khuyến cáo trẻ em từ 2 tháng tuổi nên được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu, mắc các bệnh và biến chứng nguy hiểm cho chủng vi khuẩn này gây ra. Các bậc phụ huynh cần tìm hiểu và sớm trang bị cho con trẻ “bảo hiểm” sức khỏe tối ưu, chuẩn bị hành trang cho con có nền tảng sức khỏe vững chắc, để trẻ có cơ hội được phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.