Đua ghe ngo trong lễ hội Ook Om Bok_Ảnh: baochinhphu.vn
1. Mở đầu
Hàng năm, Việt Nam có hàng nghìn lễ hội, được tổ chức trên khắp cả nước. Điều đó phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người Việt và những bước phát triển trong đời sống văn hóa của dân tộc. Trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, nhân sinh quan của người Việt cũng có nhiều biến đổi theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực, được thể hiện rõ nét qua các lễ hội truyền thống.
2. Nhân sinh quan của người Việt và lễ hội truyền thống
Nhân sinh quan là hệ thống những quan niệm của con người về cuộc đời, về ý nghĩa, mục đích sống của con người. Khi nói đến nhân sinh quan của người Việt là nói đến các triết lý nhân sinh nhằm giải đáp những vấn đề mà con người gặp phải trong cuộc sống. Nhân sinh quan người Việt là mẫu số chung của sự thống nhất trong đa dạng các triết lý nhân sinh của cư dân người Việt. Do vậy, có thể hiểu: Nhân sinh quan của người Việt là một phạm trù chỉ những quan điểm, quan niệm về cuộc sống của con người, về mối quan hệ giữa con người với con người (xã hội, gia đình, dòng tộc, họ hàng, làng xã…), về mối quan hệ của con người với môi trường tự nhiên và các điều kiện sống của họ, được biểu hiện dưới các hình thái cụ thể như lẽ sống, thái độ sống, phương thức sống…. được hình thành và phát triển trong từng giai đoạn lịch sử của người Việt.
Lễ hội truyền thống là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp, vừa độc đáo vừa phong phú, đa dạng của dân tộc Việt Nam. Lễ hội truyền thống là hình ảnh thu nhỏ của nền văn hóa dân gian, bao hàm hầu như đầy đủ các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian và được thể hiện trong các thể loại di sản văn hóa như: diễn xướng, sân khấu dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc… (nghệ thuật biểu diễn dân gian); các nghi lễ, nghi thức, trò chơi, trò diễn, trò chơi dân gian, tục lệ, đối tượng thờ cúng, đức tin… (tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán dân gian); truyền thuyết, thần thoại, thần tích, thần phả, văn tế, văn bia, hoành phi câu đối ca dao, hò vè… (văn học dân gian). Do vậy, lễ hội truyền thống không chỉ là hiện tượng văn hóa dân gian mà còn là một tượng mang tính lịch sử - xã hội. Nhiều yếu tố văn hóa tinh thần được lễ hội truyền thống bảo lưu và truyền tụng từ đời này sang đời khác và thực sự trở thành di sản văn hóa truyền thống vô giá.
Lễ hội được cấu thành bởi hai yếu tố “lễ” và “hội”. Lễ là mặt tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo… mang tính linh thiêng, còn hội là những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, là những trò chơi, trò diễn, các loại hình diễn xướng… mang tính nghi thức nhưng cũng rất đời thường. Lễ và hội là hai thành tố độc lập với nhau nhưng chúng lại không tách rời nhau, mà luôn đan quyện vào nhau để biểu thị một giá trị nhân sinh nào đó của một cộng đồng làng xã hay một quốc gia dân tộc. Trong mối quan hệ đó, lễ hội biểu đạt các nội dung như: những nghi lễ phản ánh tư tưởng, tình cảm của chủ thể (cá nhân hoặc cộng đồng) với đối tượng được cử hành nghi lễ (các thần linh, người có công, tổ làng, tổ nghề…); các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật như trò diễn, hát, xướng ca nhằm biểu đạt suy nghĩ, tình cảm, nguyện vọng, ước mong… của một cộng đồng xã hội; có sự tham gia đông đảo của một cộng đồng người tại một địa điểm cụ thể vào một “thời điểm mạnh” và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bởi thế, lễ hội truyền thống là nơi lưu giữ và trao truyền, là môi trường, là phương thức thể hiện những tâm tư tình cảm, tư tưởng, quan niệm của một cộng đồng người về cuộc sống, về lẽ sống, thái độ sống và cách thức ứng xử của họ trong đời sống cộng đồng xã hội, hay nói cách khác đó chính là các triết lý nhân sinh được đúc kết trong suốt chiều dài lịch sử lao động sản xuất, lịch sử đấu tranh sinh tồn nhằm giải quyết những vấn nạn mà con người gặp phải trong cuộc nhân sinh của họ.
Do đó, “nghiên cứu lễ hội cổ truyền sẽ là cơ hội để chúng ta hiểu sâu hơn, cặn kẽ hơn triết lý, tư tưởng của các thế hệ tiền nhân gửi gắm, lưu giữ trong lễ hội cổ truyền. Ứng xử với thiên nhiên, xã hội và chính mình, tất cả những triết lý ấy lắng đọng trong lễ hội cổ truyền, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và, những triết lý, tư tưởng ấy của các thế hệ tiền nhân là yếu tố quan trọng để tạo ra bản sắc văn hoá dân tộc. Giải mã các biểu tượng, tiếp cận những triết lý, tư tưởng người Việt gửi gắm trong lễ hội cổ truyền của họ, sẽ có thêm những tư liệu và nhận định cho việc nghiên cứu bản sắc văn hoá của người Việt”(1).
Thông qua các nghi thức tế lễ và trò diễn của các lễ hội truyền thống, người Việt đã thể hiện quan niệm sâu sắc về triết lý nhân sinh, về cuộc sống, như: quan niệm về sự tôn thờ, tưởng nhớ đối với những người có công với đất nước, anh hùng dân tộc, với thành hoàng làng, đấng sinh thành; quan niệm về đời sống, tâm linh, tín ngưỡng; về những ước mong của con người trong cuộc sống, lao động, sản xuất, khát vọng về sự sinh sôi nảy nở, sự cầu mong cho mưa thuận, gió hoà, cuộc sống đủ đầy, sung túc.
3. Vai trò của lễ hội truyền thống đối với việc hình thành nhân sinh quan của người Việt và sự biến đổi nhân sinh quan của người Việt biểu hiện qua các lễ hội truyền thống hiện nay
Qua các lễ hội truyền thống, nhân sinh quan của người Việt biểu hiện ra những biến đổi tích cực và tiêu cực.
Một là, những biến đổi tích cực trong nhân sinh quan của người Việt qua các lễ hội truyền thống.
Trước hết, lễ hội truyền thống đã góp phần hình thành những mặt tích cực trong quan niệm đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Việt. Hầu hết các lễ hội hội truyền thống của người Việt thể hiện rất rõ quan niệm của người dân về đời sống tâm linh, tín ngưỡng. Các nghi thức tế lễ thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn thờ, tưởng nhớ của những người đang sống với những người đã mất và với các đấng thần linh mà họ tôn thờ. Đời sống tâm linh được coi trọng và phát triển là nền tảng để nâng cao đạo đức xã hội của con người, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân.
Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống cũng góp phần tạo ra những mặt tích cực trong quan niệm về sự tôn thờ, tưởng nhớ. Các lễ hội mang tính chất lịch sử, gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, như lễ hội Đền Hùng, Đền Gióng, Đền Trần, Hai Bà Trưng,… đã góp phần vào việc bảo tồn và phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt, qua đó giáo dục đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết cộng đồng và xã hội.
Tín ngưỡng thờ Mẫu qua các lễ hội Phủ Giầy (Nam Định), Chùa Thầy (Hà Nội), Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Điện Hòn Chén (Thừa Thiên - Huế), Tháp bà Po Nagar (Khánh Hoà) … đã góp phần tôn thờ người mẹ là đấng sinh thành, bao bọc và che chở cho con dân Việt Nam. Qua tín ngưỡng thờ Mẫu đã thể hiện một cách độc đáo tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết của người Việt, nâng cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo, hướng tới xây dựng một đời sống văn hóa xã hội tiến bộ, văn minh.
Các lễ hội truyền thống còn góp phần tạo ra những mặt tích cực trong quan niệm về ước mong của con người trong cuộc sống, lao động, sản xuất. Thông qua việc tham gia và thực hành các nghi thức tế lễ cũng như sinh hoạt văn hoá trong các lễ hội, những mong muốn, khát vọng, sự tin tưởng của con người vào cuộc sống được thể hiện và phát huy. Chính thái độ lạc quan, tin tưởng của người dân đã góp phần phát huy tinh thần sáng tạo, nhiệt huyết trong lao động sản xuất, làm giàu cho quê hương, đất nước. Từ đó, bồi đắp khát vọng, ý chí vươn lên làm giàu, tinh thần lập thân, lập nghiệp, xây dựng quê hương, đất nước phồn thịnh. Mặt khác, tín ngưỡng thờ Mẫu qua các lễ hội cũng là biểu tượng của ước vọng phong đăng, phồn thực, đâm chồi, nảy lộc, đơm hóa, kết trái, và cũng là biểu tượng cho sự trường tồn của giống nòi, của vạn vật.
Vì những tác động tích cực đó mà dù đã trải qua hàng nghìn năm, các lễ hội truyền thống vẫn là những hoạt động không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt và ngày càng trở thành sợi dây kết nối tình đoàn kết, gắn bó của người dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước và cả đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh những mặt tích cực, những lễ hội truyền thống còn mang đến những biến đổi tiêu cực trong nhân sinh quan của người Việt.
Trước hết, qua việc tham gia các lễ hội truyền thống mà những mặt hạn chế trong quan niệm đời sống tâm linh, tín ngưỡng được bộc lộ rất rõ. Hiện nay, khi phong trào phục dựng, nâng cấp và đổi mới lễ hội diễn ra, xuất hiện các biểu hiện phô trương, hình thức để thu hút du khách, mưu cầu lợi nhuận. Ở nhiều nơi, một số lễ hội truyền thống có xu hướng thương mại hóa, đề cao lợi ích vật chất, một số cá nhân thao túng lễ hội, tự cho mình quyền được ban phát “lộc thánh” dưới các hình thức “mua - bán”, “xin - cho” ngay trong sinh hoạt lễ hội, biến không gian linh thiêng của lễ hội thành nơi “buôn thần, bán thánh” để trục lợi. Điều này làm cho lễ hội trần tục hóa đến mức thô thiển, mất đi tính thiêng liêng vốn có của nó.
Nhiều người đến với lễ hội không phải mục đích hướng thiện, cầu cho quốc thái dân an, nhân khang, vật thịnh, mà vì mục đích vụ lợi và tham vọng cá nhân như: được thăng quan tiến chức; nhanh được giàu có,… Từ đó, họ biến những nghi thức tế lễ linh thiêng, biểu trưng cho sinh hoạt văn hóa tốt đẹp của lễ hội trở thành các hành vi trần tục, phản văn hoá phục vụ cho tham vọng cá nhân.
Với quan niệm “trần sao âm vậy”, nhiều người sắm sanh lễ vật, mâm cao cỗ đầy, với quan niệm càng nhiều lễ vật, vàng mã thì thánh thần sẽ ban cho nhiều tiền tài, địa vị bấy nhiêu. Mục đích sắm lễ vật thật nhiều để cầu danh lợi nên thiếu đi sự thành kính khi cung tiến, sẵn sàng “đặt lễ thuê”, “khấn vái thuê”, người đi lễ chỉ làm với thái độ thờ ơ.Thậm chí, còn ghi tên của những người cung tiến tiền công đức cho đền, chùa ở những nơi mà ai cũng có thể nhìn thấy, thậm chí tổ chức quyên góp tiền công đức như các phiên đấu giá, người cung tiến sau phải nhiều hơn người cung tiến trước. Từ đây, sẽ hình thành tâm lý phó thác, cầu may, trông chờ, ỷ lại, xin cho, thích hưởng thụ mà lười lao động, trông chờ xuất hiện may mắn mà không cố gắng vươn lên trong cuộc sống của một bộ phận người dân. Thực trạng này, làm xuất hiện những suy nghĩ lệch lạc, thiếu tích cực, mất đi ý nghĩa và giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống, khiến cho lễ hội, đền, chùa... không còn là nơi vãn cảnh, không gian sinh hoạt văn hóa nữa, cũng không còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, tư tưởng tích cực của con người nữa mà trở thành nơi nảy sinh thói háo danh, ganh đua, vơ vét, tham lam quyền chức, bổng lộc của đời sống xã hội.
Thực trạng trên đã tác động và hình thành nên nhân sinh quan tiêu cực, lệch lạc trong đời sống của một bộ phận nhân dân, ảnh hưởng đến lối sống, cách nghĩ, cách làm của họ. Chính thái độ sống thiếu tính tích cực đó đã tác động làm lệch chuẩn những quan niệm, giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần của xã hội hiện nay.
Ngoài ra, một số lễ hội còn làm xuất hiện những quan niệm lệch lạc trong quan niệm về sự tôn thờ, tưởng nhớ. Ở một số lễ hội, người ta thần thánh hóa công trạng của những người có công, hay cố tìm ra công trạng của các vị thành hoàng làng để nâng cấp lễ hội nhằm trục lợi cho cá nhân hoặc một nhóm lợi ích, đã làm sai lệch, biến tướng quan niệm về sự tôn thờ, tưởng nhớ những người có công với làng xã, với đất nước.
Bên cạnh đó, hiện tượng phô trương, lãng phí trong tổ chức lễ hội, xây dựng đền thờ, tượng đài, đúc tượng... nảy sinh từ nhân sinh quan tiêu cực, lệch lạc đã dẫn đến tâm lý kèn cựa, kích thích thói đố kỵ, ganh ghét, háo danh của con người ngay trong cả trong đời sống tâm linh.
Từ những quan niệm lệch chuẩn trên đã dẫn đến một thực tế là, một số người, trong đó có cán bộ, đảng viên hằng năm đi lễ những nơi linh thiêng, tôn thờ các anh hùng liệt sĩ chỉ với mục đích cầu xin được phù hộ, độ trì cho đường quan lộ được thuận lợi, mau thăng quan tiến chức để thu vén lợi ích, mà thiếu đi ý niệm lòng biết ơn, sự thành kính để tự nhắn nhủ mình phải sống tốt hơn, cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước. Điều này, đã tác động mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm và làm thay đổi nhận thức trong nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin, đời sống tinh thần xã hội.
Bên cạnh đó, sự biến đổi của tín ngưỡng thờ Mẫu trong các lễ hội truyền thống cũng gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho đời sống con người và xã hội. Vì không hiểu rõ bản chất của tín ngưỡng thờ Mẫu nên đã dẫn đến nhiều hiện tượng mê tín, dị đoan, làm sai lạc nhận thức, tư tưởng trong nhân dân. Trong thực tế, nhiều cậu đồng, cô đồng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết, mê tín trong nhân dân để trục lợi những người đi xem bói với số tiền lớn, gây bức xúc trong đời sống xã hội.
Ảnh hưởng của lối sống thực dụng từ cơ chế thị trường dẫn đến nhiều quan niệm về đời sống tinh thần, tâm linh bị sai lệch như quan niệm: “âm phù dương trợ”; “trần sao âm vậy”… Do đó, ở nhiều nơi, có hiện tượng thương mại hoá lễ hội, tổ chức lễ hội với mục đích thu được lợi ích vật chất nhiều hơn là tôn vinh những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hoá dân tộc. Vì vậy, đã dẫn đến đơn điệu hoá lễ hội, các lễ hội từ nghi lễ cho đến các trò diễn na ná như nhau, thậm chí có các công ty sự kiện tổ chức lễ hội mang tính chuyên nghiệp, người dân, hay du khách không phải là chủ thể của lễ hội, không tham dự với tư cách là một phần của lễ hội. Do đó, nhiều người đến tham gia lễ hội vì tính hiếu kỳ, với thái độ thờ ơ, lạnh nhạt.
Rõ ràng, thực tế trên đã làm mất đi giá trị và ý nghĩa tốt đẹp của nhiều nghi lễ trong lễ hội truyền thống, phản ánh sự biến đổi tiêu cực trong nhân sinh quan của một bộ phận tầng lớp nhân dân, tác động đến tâm tư, tình cảm, lối sống, thái độ sống thiếu tích cực của họ. Chính điều này tạo ra những thách thức không nhỏ trong tiến trình xây dựng đời sống văn hoá tinh thần của xã hội, cũng như cản trở việc xác lập và xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
4. Một số giải pháp phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực trong sự biến đổi nhân sinh quan của người Việt qua các lễ hội truyền thống
Thứ nhất, đẩy mạnh nghiên cứu những giá trị nhân sinh quan của người Việt qua lễ hội truyền thống.
Lễ hội truyền thống là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn và phát huy trong cộng đồng. Những lễ hội truyền thống này góp phần hình thành nhân sinh quan tích cực cho người Việt Nam. Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, xu hướng biến đổi của các lễ hội truyền thống ở Việt Nam cũng có sự thay đổi, đặc biệt đó là sự thay đổi mang tính thương mại hoá trong các lễ hội truyền thống đã làm cho nhân sinh quan của người Việt Nam mang những yếu tố tiêu cực. Do đó, trong quá trình khôi phục lễ hội, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, cần phải nghiên cứu thật sâu, có tính hệ thống, khẳng định nhân sinh quan tốt đẹp trong các lễ hội truyền thống để bảo tồn và phát huy, phát triển nhằm xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần mới, tạo nên động lực nội sinh phát triển đất trong giai đoạn hiện nay. Để làm được điều đó, cần phải lưu ý một số vấn đề sau đây:
Quan tâm đầu tư mạnh cho công tác nghiên cứu khoa học, sưu tầm các điển tích, nghiên cứu thật toàn diện có tính hệ thống lịch sử các lễ hội truyền thống, xuất bản các bộ sách ghi chép các nghi lễ, phong tục của các tộc người Việt Nam. Từ đó, góp phần giáo dục, định hướng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ những tri thức, giá trị văn hóatruyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Nghiên cứu một cách toàn diện và có tính hệ thống các lễ hội truyền thống trên tinh thần của nguyên tắc khách quan để nhận diện chính xác những yếu tố tiêu cực, hủ tục, lạc hậu của truyền thống không còn phù hợp với cuộc sống mới thì xoá bỏ, không được khôi phục, lưu hành trong đời sống, cần thiết phải có cơ chế quy định xử phạt nếu lợi dụng việc khôi phục văn hoá truyền thống để trục lợi từ các yếu tố mang tính hủ tục trong truyền thống góp phần xây dựng nhân sinh quan tích cực cho người Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, những yếu tố phong tục, tập quán lạc hậu trong lễ hội truyền thống là những yếu tố phi vật thể, nằm trong suy nghĩ, tư tưởng của con người, do đó, việc xác định và nhận diện chúng không hề dễ dàng, cũng như đưa ra các cơ chế quy định chúng, vì vậy, cần phải căn cứ vào hành vi ứng xử, hành động ứng xử, cũng như thái độ, mục đích sống của con người, bởi lẽ, mọi hành vi của con người là hệ quả của lối suy nghĩ, tư tưởng đã hình thành trong tâm thức của họ. Do đó, để hạn chế hiệu quả những yếu tố lạc hậu của truyền thống tác động đến đời sống con người và xã hội cần phải kết hợp nhiều biện pháp khác nhau với một tinh thần kiên trì, kiên quyết không khoan nhượng đến cùng.
Nghiên cứu lễ hội truyền thống để xác định rõ những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp để kế thừa, phát huy và phát triển cho phù hợp với dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, trong các yếu tố truyền thống, yếu tố nào mà cuộc sống hiện đại không có nhu cầu, không đem lại hiệu quả thực tiễn cho con người thì cũng không nên kế thừa và lưu giữ để khỏi mất thời gian, tốn kém cả vật chất, tinh thần cho đời sống cá nhân và xã hội, còn các yếu tố mà đời sống thực tại có nhu cầu thì cần được coi trọng và phát huy, phát triển mạnh mẽ trong đời sống văn hóatinh thần hiện đại để đem lại hiệu quả tối ưu cho cuộc sống của con người.
Nghiên cứu lễ hội truyền thống để xác định rõ hệ giá trị nhân sinh quan của người Việt Nam trong truyền thống, khẳng định chúng như là những hệ giá trị cốt lõi có sức sống trường tồn trong suốt chiều dài của lịch sử gian nan nhưng cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc Việt Nam. Đó là: Sự trân trọng, lòng biết ơn “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, sống có hoài bão, có khát vọng vươn lên để thành công,… đây là những giá trị nhân sinh quan quý báu mà lễ hội truyền thống mang lại, chúng thực sự là hệ giá trị cốt lõi góp phần quan trọng vào việc xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong thời đại mới.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức nhằm phát huy những biến đổi tích cực và hạn chế những biến đổi tiêu cực trong nhân sinh quan của người Việt Nam hiện nay qua lễ hội truyền thống
Để nâng cao nhận thức cho người dân về những biến đổi tích cực và nhận diện để hạn chế những biến đổi tiêu cực trong nhân sinh quan của người Việt Nam hiện nay thể hiện qua lễ hội truyền thống chúng ta cần chú ý một số vấn đề sau:
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về những biến đổi tích cực trong nhân sinh quan của người Việt Nam thể hiện qua lễ hội truyền thống
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ về giá trị tích cực trong nhân sinh quan của người Việt Nam thể hiện qua lễ hội truyền thống là những cái tốt, cái tiến bộ cần phải được lưu giữ và phát huy mạnh mẽ trong đời sống của mội cá nhân, cộng đồng quốc gia dân tộc.
Bên cạnh đó, cần phải làm cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ vai trò của đời sống tâm linh, tín ngưỡng là mang lại sự bình an trong tâm hồn, tạo niềm tin trong cuộc sống để con người mạnh dạn, tự tin hướng về cuộc sống thực tại, thân lập thân và làm cho cuộc sống ngày càng phồn vinh hạnh phúc.
Nhận thức và hiểu rõ những giá trị tốt đẹp trong nhân sinh quan qua lễ hội truyền thống, mọi người sẽ có cách thức và biện pháp để phát huy hiệu quả trong đời sống của họ, ở mỗi vị trí, địa vị, vai trò của từng người trong xã hội sẽ có cách làm phù hợp lan toả những giá trị tốt đẹp đó trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần xây dựng một đời sống văn hoá, tinh thần lành mạnh, tiến bộ trở thành động lực nội sinh để phát triển bền vững đất nước.
Tuyền truyền, giáo dục, định hướng để khắc phục những biến đổi tiêu cực trong nhân sinh quan của người Việt Nam
Cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân hiểu rõ những biến đổi tiêu cực trong nhân sinh quan người Việt Nam là những cái xấu, cái lạc hậu cản trở đến việc xây dựng một đời sống văn hoá lành mạnh, cản trở sự phát triển đất nước, làm phương hại đến đời sống cá nhân và cộng đồng cần phải hạn chế và khắc phục triệt để.
Cần phải hạn chế, khắc phục lối sống thực dụng làm tha hóa con người, khơi dậy những ham muốn bản năng, như hành động cướp giật lộc thánh trong lễ hội, buôn thần, bán thánh ngay trong chốn linh thiêng, biến lễ hội thành nơi kinh doanh kiếm chác lợi lộcmột cách thô lỗ làm mất đi những giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống. Khi lối sống thực dụng trở thành mục đích duy nhất, tất yếu dẫn đến sự chiếm đoạt vật chất, bất chấp đạo lý và luật pháp. Lối sống thực dụng là cơ sở của sự chạy theo những tham vọng bất chính, những điều kiện và phương thức sống thiếu lành mạnh, thỏa mãn những nhu cầu tầm thường, làm suy thoái phẩm chất, đạo đức cán bộ và người dân. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới những tệ nạn xã hội: tư duy theo kiểu nhiệm kỳ, làm tròn vai, hay những hành vi tham nhũng, tham ô, hối lộ; bất chấp luật pháp và kỷ cương để thực hiện mục đích làm giàu, buôn bán trái phép; ma túy, mại dâm... làm xói mòn đạo đức con người Việt Nam.
Trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng cần khắc phục quan niệm “tốt lễ dễ kêu”dẫn đến quan niệm đi cúng lễ phải mâm cao cỗ đầy thì thần thánh ban cho nhiều phước lộc, lời cầu nguyện mới linh nghiệm, hay quan niệm “trần sao âm vậy” dẫn đến đốt vàng mã khắp nơi gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, tốn kém. Bên cạnh đó, cần khắc phục các hiện tượng mê tín dị đoan, xem bói, xóc quẻ, bốc thăm may rủi… diễn ra tràn lan trong lễ hội.
Việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân về những biến đổi tiêu cực trong nhân sinh quan thể hiện qua lễ hội truyền thống có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và khắc phục những cái xấu, cái lạc hậu tiến tới xây dựng một đời sống văn hóa, đạo đức lành mạnh và tiến bộ.
Để công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân hiểu rõ những biến đổi tích cực và tiêu cực trong nhân sinh quan của người Việt Nam thể hiện qua lễ hội truyền thống, chúng ta cần xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh và tăng cường giáo dục ý thức pháp luật cho mọi thành viên trong xã hội.
Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh và giáo dục ý thức pháp luật cho mọi thành viên trong xã hội là một nhiệm vụ có quan hệ khăng khít với việc xây dựng nhân sinh quan mới. Bởi vì, khả năng phát triển huy những biến đổi tích cực và khắc phục, hạn chế những biến đổi tiêu cực trong nhân sinh quan không phải tự nhiên mà có, hay được thực hiện một cách tự động, mà cần phải đấu tranh với những biến đổi tiêu cực bằng hình thức pháp luật, buộc cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, lối sống của mình. Cho nên, việc xây dựng nhân sinh quan mới là sự kết hợp một cách tổng thể giáo dục và thi hành pháp luật. Nếu chỉ áp dụng thuần túy phương pháp giáo dục, tuyên truyền sẽ không thắng nổi sức mạnh những biến đổi tiêu cực như lối sống thực dụng, coi trọng đồng tiền bất chấp mọi đạo lý, giẫm đạp lên thuần phong mỹ tục, lối sống lạnh lùng theo kiểu “tiền trao cháo múc”… Nếu không dựa vào những biện pháp pháp luật sẽ không tác động được đến ý thức công dân, đến lối suy nghĩ của con người trong quá trình xây dựng nhân sinh quan mới và đấu tranh với những hành vi đối lập.
Bên cạnh đó, việc coi trọng việc giữ gìn và phát huy những biến đổi tích cực trong nhân sinh quan của người Việt Nam thể hiện qua lễ hội truyền thống phải luôn đi liền với coi trọng quản lý xã hội bằng pháp luật. Bởi pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội. Cùng với những giá trị văn hóa truyền thống, đạo đức, pháp luật luôn hướng con người tới hệ giá trị chân - thiện - mỹ, ngăn chặn cái ác, cái xấu (tiêu cực) nhằm làm lành mạnh hoá xã hội. Do vậy, để giữ gìn và phát huy những biến đổi tích cực trong nhân sinh quan người Việt Nam cần phải giáo dục ý thức pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân, giúp họ tránh được những hành vi phạm pháp, bất chấp tất cả để kiếm lợi nhuận từ những lễ hội văn hóa truyền thống, để họ trở thành những công dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Thứ ba, cần có cơ chế, chính sách, quản lý lễ hội truyền thống nhằm phát huy những biến đổi tích cực và hạn chế những biến đổi tiêu cực trong nhân sinh quan của người Việt Nam hiện nay qua lễ hội truyền thống
Để tiếp tục phát huy những biến đổi tích cực và hạn chế những biến đổi tiêu cực trong nhân sinh quan của người Việt Nam hiện nay thể hiện qua lễ hội truyền thống đối với vấn đề quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội truyền thống chúng ta cần phải: Tiếp tục tăng cường quản lý lễ hội truyền thống bằng cách hoàn thiện các thể chế luật pháp - chính sách. Tiếp tục tăng cường quản lý lễ hội truyền thống bằng giám sát, kiểm tra. Tiếp tục tăng cường đào tạo đội ngũ cán cán bộ quản lý văn hóa, quản lý lễ hội truyền thống đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội.Tiếp tục nâng cao công tác tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống.
5. Kết luận
Lễ hội truyền thống là môi trường sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, phản ánh những nét đẹp văn hoá truyền thống của mỗi dân tộc cả trong tính đa dạng và thống nhất. Những biến đổi trong nhân sinh quan của người Việt, cả về tích cực và tiêu cực, đặt ra yêu cầu cấp thiết là cần thực hiện những giải pháp hợp lý để phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực trong sự biến đổi nhân sinh quan người Việt qua các lễ hội truyền thống, góp phần làm cho các lễ hội thực sự trở thành sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng tốt đẹp, làm phong phú đời sống tinh thần của con người và trở thành bản sắc văn hóa của dân tộc.
_________________
Ngày nhận bài: 1-5-2024; Ngày bình duyệt: 10-5-2024; Ngày duyệt đăng: 12-5-2024.
(1) Nguyễn Chí Bền: Lễ hội cổ truyền của người Việt, cấu trúc và thành tố, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,2013, tr.12.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Quang Định: “Sự biến đổi nhân sinh quan của cư dân đồng bằng Sông Hồng thể hiện qua các lễ hội truyền thống”, Tạp chí Lý Luận chính trị, số 2,2017.
2. Ngô Đức Thịnh: Tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2018.