Khu trung tâm thành phố không có quá nhiều nhà cao tầng như khu ven biển mà duyên dáng vô cùng với nhà cổ nối tiếp nhau san sát thành ô bàn cờ với núi cao chạy thành vòng cung ôm thành phố và mặt trước hướng ra vịnh du thuyền trắng phau đậu san sát.
Tôi đặt phòng trong một căn nhà gần 300 năm tuổi rất đẹp và cổ kính nhưng nội thất được nâng cấp tiện nghi và thêm một bể bơi mini ở phần giếng trời để khách có thể thư giãn trước cái nóng của vùng nhiệt đới này. Không gian trong nhà cao rộng với những thanh xà ngang gỗ quý to bằng hai gang tay. Ngồi trong nhà nhìn ra con phố nắng trưa vàng rực không thể không cảm thấy như mình đang chìm trong không khí huyền ảo thuở khai hoang những miền đất mới trong Trăm năm cô đơn hay Tướng quân giữa mê hồn trận của Gabriel García Márquez. Buổi tối phố lên đèn, không gian lại rộn rã khác hẳn với âm nhạc đặc trưng xứ nhiệt đới Nam Mỹ hòa trộn âm hưởng châu Phi và thổ dân Caribe bản địa như cumbia, vallenato đã sinh ra những siêu sao hàng đầu thế giới như Shakira. Tôi cũng được thưởng thức bolero nguyên gốc, dòng nhạc ảnh hưởng đến cả những nơi xa như Việt Nam.
Tuy ở giữa miền biển nhiệt đới, nhưng chỉ cách 30 km về phía Đông Nam của Santa Marta đột nhiên xuất hiện một dãy núi hùng vĩ, đứng sừng sững với tên gọi Sierra Nevada (dãy Tuyết Sơn) mà đỉnh cao nhất lên tới 5.700m, cao thứ 5 trên thế giới, quanh năm tuyết phủ. Chính vì địa hình đa dạng và phức tạp như vậy, nên Colombia là nước có đa dạng sinh học cao nhất thế giới trên bình quân diện tích lãnh thổ. Tôi lựa chọn một chuyến đi bộ xuyên rừng ở Vườn quốc gia Tayrona cách Santa Marta 35 km. Đây là nơi hàng dãy đồi núi trập trùng với rừng già nguyên sinh ăn ra đến tận những bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp. Tayrona là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng nhất ở Nam Mỹ, họ thành công với mô hình du lịch sinh thái. Sau cổng vào có một đoạn ngắn đường bê-tông leo dốc, bên trong chỉ còn đường đất để đi bộ. Hành khách đến từ đủ năm châu bốn biển. Có những người hành lý cồng kềnh, lều trại vác vai đi cả chục ngày nhưng cũng có người chỉ ba-lô túi nước mũ nan quần soóc đi về trong ngày như chúng tôi. Các công trình xây dựng trong rừng từ bàn ghế trạm nghỉ chân đến những khách sạn đều xây bằng những vật liệu tự nhiên nhất có thể: mái lá, nhà gỗ, sàn gỗ, nền đất, lối đi rải đá... Đường đi len lỏi trong rừng qua rất nhiều những tảng đá khổng lồ với những loài cây nhiệt đới xanh mướt, chim kêu râm ran, chỗ nào khó đi thì có bậc thang ván gỗ nên việc di chuyển không quá khó khăn.
Uống nước dừa của người dân tộc Kogi (áo trắng) trong Vườn quốc gia Tayrona.
Điều thú vị là Vườn quốc gia cũng là nơi sinh sống của một số ít thổ dân, vốn đã ở đây từ hàng nghìn năm. Và Điểm bán nước giải khát dọc đường chính là do mấy anh người dân tộc Kogi, leo cây hái dừa trực tiếp rồi dùng con rựa sắc lẹm bổ ra cho khách uống tại chỗ với nụ cười thân thiện. Một anh lấy ra trong túi một lọ nhỏ như quả bầu khô và một thanh kim loại nhọn, khều trong ruột quả bầu ra chất bột mầu trắng và cho vào miệng nhai. Thì ra đó là một dạng bình vôi và dùng vôi sống để nhai với lá coca. Lá coca, loại lá huyền thoại của Nam Mỹ và Colombia có chứa một chất kích thích có tác dụng giảm đau, gây tê và gây hưng phấn tinh thần gọi là cocain. Người bản địa Nam Mỹ vốn nhai lá này khi đi rừng, leo núi hay trong các nghi lễ tế thần, tương tự như nhai trầu ở châu Á, với lịch sử ít nhất 3.000 năm. Thương hiệu đồ uống nổi tiếng nhất thế giới Coca-Cola vốn dùng lá coca để tạo hương vị đặc trưng và đến đầu thế kỷ 20 thì phải loại hoàn toàn chất cocain ra khỏi đồ uống. Nhưng ở Colombia, thì chỉ từ những năm 1970 khi người ta tổng hợp thành công cocain nồng độ cao để làm thành một loại ma túy thì số phận của cả đất nước và dân tộc Colombia hoàn toàn thay đổi. Cuộc chiến với cocain được tuyên bố bởi chính phủ Hoa Kỳ từ năm 1971 đến nay qua 10 đời Tổng thống Mỹ và 12 đời Tổng thống Colombia đã từng diễn ra vô cùng khốc liệt. Ngày nay, nạn trồng coca và sản xuất ma túy ở Colombia đã được đẩy lùi nhưng hình ảnh đất nước thì vẫn bị ảnh hưởng dù trên thực tế đây là một điểm đến du lịch cực kỳ hấp dẫn và ngày càng thu hút nhiều khách quốc tế từ châu Âu và châu Á.
Bãi biển Cabo San Juan del Guía giữa hoang dã đại ngàn.
Sau 3 tiếng mướt mồ hôi thì chúng tôi cũng đến được bãi biển Cabo San Juan với làn nước xanh trong như lam ngọc, đến mức thấy rõ cá biển mầu sắc bơi chỉ cách bờ cát vài mét. Phía trên bờ, sát mé rừng không có công trình nào xây dựng kiên cố mà chỗ cho khách ở qua đêm chỉ có hàng trăm chiếc võng đặc trưng Nam Mỹ hoặc lều ngủ nho nhỏ dựng sẵn san sát. Chỉ nửa cây số nữa là đến bãi biển... khỏa thân nhưng thật ra cũng không thấy ai khỏa thân nhiều ngoài vài người nằm phơi nắng vì bên này vắng người hơn thì thoải mái hơn mà tiếp xúc thiên nhiên thôi!
Sau bữa cơm cá tráp chiên giòn, chúng tôi đi xuồng cao tốc để về lại thành phố. Thuyền cưỡi trên những con sóng rất cao xô về phía bờ là những núi đá đen kỳ vĩ, nham nhở vết thời gian bào mòn, huyền hoặc mà đồ sộ chắn biển. Trong gió mịt mùng, anh lái tàu vẫn còn chỉ cho khách đàn cá heo đang bơi theo thuyền...
Santa Marta còn là nơi qua đời của nhà quân sự chính trị tài ba Simon Bolivar. Tôi đến thăm điền trang San Pedro Alejandrino ở ngoại ô thành phố, nay đã chuyển thành bảo tàng, nơi Bolivar ở những ngày cuối đời. Sinh năm 1783 ở Caracas (Thủ đô Venezuela ngày nay) trong một gia đình dòng dõi giàu có bậc nhất, Bolivar được đi du học châu Âu. Năm 1808, chứng kiến Napoleon xâm lược Tây Ban Nha và dựng anh trai Joseph Bonaparte lên ngai vàng, giới tinh hoa Nam Mỹ quyết định đòi độc lập. Bolivar từ một nhà ngoại giao đã trở thành thủ lĩnh quân sự lãnh đạo cuộc chiến tranh 13 năm để khai sinh ra nhà nước cộng hòa đầu tiên thật sự độc lập ở Nam Mỹ: Gran Colombia, tiền thân của 6 nước Trung Mỹ và phía bắc Nam Mỹ ngày nay. Tên của ông được đặt làm quốc hiệu của hai nước: Bolivia và (Cộng hòa Bolivar) Venezuela.
Tác giả trên quảng trường Simon Bolivar, trung tâm chính trị của Colombia. Phía sau là tượng Bolivar và Nhà Quốc hội.
Bolivar chết với giấc mộng tan vỡ về một siêu cộng hòa thống nhất rộng 2,5 triệu cây số vuông bởi các tỉnh lần lượt tách ra thành các nước độc lập nhưng di sản và hình ảnh của ông vẫn được tôn vinh đến tận ngày nay. Colombia coi ông như anh hùng giải phóng dân tộc. Tôi đến để xem thanh kiếm trận của Bolivar như một biểu tượng về cuộc đấu tranh cho độc lập và tự do của người Colombia bởi có lời đồn là trưng bày ở đây nhưng không thấy. Lời đồn là bởi lẽ, thanh kiếm quốc bảo này vốn đặt trong nhà cũ của Bolivar ở thủ đô Bogota nhưng vào năm 1974, một nhóm du kích cánh tả tên M-19 đã đột nhập lấy đi thanh kiếm với lời nhắn để lại: “Bolivar, kiếm của ngài đã trở lại chiến trường”. Năm 1991, khi ra hàng và đàm phán với chính phủ, M-19 đã trao trả lại thanh kiếm cho chính quyền và từ đó thông tin về vị trí của thanh kiếm không được công bố. Có lời đồn rằng, bản trưng bày ở nhà Bolivar tại Bogota ngày nay chỉ là giả.
Trở lại Bogota vừa cổ kính, vừa hiện đại, tôi đến tham quan Phủ Tổng thống Colombia sau khi đã phải đăng ký trước ít nhất 7 ngày. Phủ Tổng thống không mở cửa tham quan tự do nhưng gần đây có mở cửa cho công chúng vào xem giới hạn. Điều thú vị ở đây là Tổng thống Gustavo Petro đương nhiệm, chính là một thành viên của nhóm M-19 ngày xưa. Ông Petro làm nên lịch sử khi trở thành Nguyên thủ cánh tả đầu tiên sau 33 đời Tổng thống Colombia. Động thái mở cửa đường phố chung quanh và cả tòa nhà Casa de Nariño, nơi ở và làm việc chính thức của Tổng thống là một hành động chứng tỏ mức độ gần dân của nhà lãnh đạo mới. Thế kỷ 20 đã chứng kiến 5 ứng cử viên Tổng thống (đều cánh tả) bị ám sát nên an ninh quanh tòa nhà cực kỳ nghiêm ngặt.
Thanh kiểm quốc bảo Người giải phóng được trưng bày trang trọng tại Casa de Nariño.
Sau nhiều vòng kiểm tra giấy tờ, dò quét kim loại với các sĩ quan quân cảnh súng ống tận chân răng (nhưng rất vui vẻ chụp ảnh) thì chúng tôi cũng vào được đến bên trong. Điện thoại, máy ảnh phải gửi lại và có người thuyết minh là sĩ quan quân đội dẫn tour. Tòa nhà đá sa thạch tráng lệ xây năm 1908 rất lộng lẫy nhưng Tổng thống Petro không sống ở trong này mà vẫn sống ở nhà riêng của ông cách thủ đô 15 km.
Điều bất ngờ nhất trong tour này lại nằm ở hành lang cuối cùng trước lối ra, anh cảnh vệ nói: “Đến đây thì mọi người được thoải mái chụp ảnh”. Trong tủ kính kia, không gì khác, là thanh kiếm huyền thoại của Bolivar, đã được chuyển về đây từ hầm vàng của Ngân hàng Trung ương, đánh dấu một kết thúc (tạm) có hậu của lịch sử.